8


Hối Lộ


(Viết tặng người bạn tri kỷ Lòng An để nhớ hai ông Lê Hồng Huân và Huỳnh Tấn Sum).

Hối lộ là một độc dược thâm căn cố đế, mọc gốc mọc rễ từ nhiều đời, không biết Đông có trước hay Tây có trước, duy biết nay đã tràn đồng, nước nào cũng có, đời nào cũng có, dây dưa thời bình như thời loạn, lúc thạnh như lúc suy.

Trước đây, lúc Nam Kỳ còn hội đồng Quản hạt, trong một phiên nhóm đại hội, lão De la Chevrotière là thực dân hạng nặng, công kích hàng phủ huyện và mấy ông thông phán toà án, rằng họ không ăn lương bao nhiêu mà ông nào cũng ruộng tột nhà lầu cùng khắp, trong khi các quan toà, quan chánh án Pháp về hưu nghèo khổ. Lão đờ Xa cu chê đang ngon nhớn, ông Nguyễn Phan Long đứng dậy nói có một tiếng mà lão tự nhiên ngồi xuống trơ cả mặt: “Xin lỗi, danh từ “pot-de-vin” phải chăng người gô-loa có sẵn? Chớ phải nào của ông cha chúng tôi bày đặt!”.

Danh từ “pot-de-vin” (hũ rượu), tức là hối lộ theo Pháp, ý chừng xưa đã có tục dâng rượu nguyên vò, nguyên hũ, nguyên chai, để mua chuộc lòng người, sang qua nước Thổ Nhĩ Kỳ là xứ sản xuất á phiện chế ra ma tuý, danh từ haschich đẻ ra bakchick, cũng dùng ám chỉ thứ mê hoặc lòng người. Không mê bằng rượu thì mê bằng thuốc hút, hít hay nuốt hoặc thẩu đều cùng một thể.

Trong cuốn dạy Pháp văn Cours Gradué của ông Trương Minh Ký, in năm 1893 đọc lúc nhỏ, dưới nhan là “Thanh dạ văn chung”, có thuật một chuyện ông quan thanh liêm viếng một ông bạn có tật ăn của đút, khuyên ông nầy nay có con, không hay kềm thúc, e có ngày đãng sản khuynh gia. Ông quan giàu mà tham, trả lời một câu tôi còn nhớ mãi: “Nếu mình làm quan thanh liêm, dầu làm cho tới bực đại thần, cũng không hậu súc. Nay tôi làm ra sự nghiệp nầy, thì làm sao cũng không khỏi bác tước của dân, tích lấy của phi ngãi. Bởi vậy ông trời giả thủ nơi con tôi, khiến cho nó phá bằng phẳng vậy thì là “Thiên phú bất đạo chi gia”, để cho cha con tôi toạ hưởng của phi ngài hay sao” (Ấu học khải mông của ông Trương Minh Ký soạn (Cours Gradué), nhà Imprimerie Nouvelle Sài Gòn xuất bản năm 1893, trang 303, dưới bài ký tên ông Paulus Của).

Có người trọn đời không nhận của hối, khi trở về già túng bấn, thấy bạn đồng liêu từng nhận tiền lì xì nay vợ con đều ấm no, bất giác than “nếu dè mình cũng làm như họ!” Một lời nói khiến bao nhiêu tiếng thơm trong sạch đều trôi sông trôi biển, vì xã hội có thể tha thứ một con điếm ăn năn, nhưng vẫn không dung một ông quan ưa ăn vụng.
Tích cũ nói ông huyện tuổi Sửu, trách vợ sao lại nói mình tuổi Tý, khiến nên con chuột dân cúng nhỏ xíu sao bì nói tuổi sửu, con trâu to kềnh, tích nầy cho thấy đời trước không dốt khoa châm biếm và luôn luôn túi tham không đáy. Một tích cay chua không kém và trì thời hơn kể rằng có một ông tỷ phú chuyên sản xuất xe tăng thiết giáp đến thương lượng với một ông bộ trưởng coi về quốc phòng, ông tỷ phú đề nghị bán món hàng giết người ấy cho chánh phủ, ông bộ trường còn dụ dự sẵn đang thèm thuốc hút, ông tỷ phú rút ví dâng thuốc trong có một điếu không phải thuốc vấn mà là một ngân phiếu một triệu cuốn tròn. Ông bộ trường xem rồi lắc đầu nói bình sanh không hút thuốc lá ông tỷ phú hiểu ý, hẹn dâng xì gà; ông bộ trường chịu liền và cả hai đồng ký tên mua bán thứ binh khí sát sanh, sống bây nhờ chết bây chịu, miễn tiền tao bỏ túi, một triệu chê ít, mười triệu, hai chục triệu ừ liền. Tích nầy thâm, vì qua mặt sự dòm hành tả hữu, vì dâng thuốc hút không ai dè đó là dâng ngân phiếu.

Nhưng hãy khoan mừng vội. Đừng nói “dâm bôn khỏi lỗ vỗ vế”, đừng tưởng ăn hối lộ “qua khỏi truông trổ bòi cho khái”, ăn hối lộ không luôn dễ như vậy đâu. Một đời chắt mót ăn từ cắc từ xu bòn tro đãi trấu, kèo nài từ đồng, có một ông ở Vĩnh Long Phán Hợi, ngày xưa dân cho hai chục đồng xin sang bộ đất, ông đòi thêm cho được năm chục đồng và lật mặt chiếc cà-rá xoàn đeo nơi tay để đánh giá hạng mình là hạng bự, sau lại sanh con, con phá sản, sanh gái, gái theo trai, của Tào đổ âm ty, chúng nó phá hết sạch khi ông ta nằm xuống. Quả là thiên đạo chí công. Không nữa, gởi của gian vào nhà băng, không dám ghi tên thật, sau bị lật gọng, ú ớ không nói được thì cũng trời kia có mắt?
Người công chức, nếu làm đúng vai tuồng, đều trải thân giúp nước, nước đó mà cũng là xã hội đó. Người vai lớn làm việc lớn, ích quốc lợi dân; ăn trên ngồi trốc đủ sướng hơn người. Người vai nhỏ gánh vác việc nhỏ, anh phu quét đường, anh lính ngăn giặc cả thảy đều góp công bào chừa việc quốc gia, việc làng xóm, không một bộ phận nào thừa, cả thảy chung nhau như chiếc máy đổng hồ, lấy ra một con ốc thì máy kia tê liệt.

Trong Chuyện đời xưa, Trương Vĩnh Ký có kể chuyện đút sáp cho cọp ăn khỏi chết là thâm thuý nhứt. Chuyện kể lại thằng hát bội kia nó giễu cái nầy xâm những quan hay ăn hối lộ. Nó ra sân khấu nói với thằng bạn của nó: “Ý cha chả! Hôm trước tôi đi ăn ong về, gặp ông cọp, tưởng đã xong đời đi rồi”.
Thằng kia đáp: “Huỷ! Vậy thì còn gì mầy”. Nó trả lời: “Mà may, tao có vác một bó sáp trên vai, tao mới chàng hãng ra, tao đút sáp ra đằng sau, ổng chạy theo ổng táp, mắc nhai sáp, tao chạy trượt đi khỏi! Xí hụt!”.

Câu chuyện vắn xủn mà ác lắm. Ăn đàng sau tức ăn dưới trôn. Đi làm một chuyện gì, tỉ như nay ta đi làm áp phe, giả cớ gọi đi ăn ong. Quan thì gọi ổng nầy ổng kia và muốn cho ổng ăn cứ chàng hãng ra, đút cái ấy dưới háng ổng vẫn táp như thường. Bây gió thành ngữ “đút sáp” đã quá xưa, vì ong rừng sáp bánh trẻ em ít biết và chỉ bọn già cỡ tôi hoạ may hiểu được.
Cái tích ông Tam Tạng đi thỉnh kinh, đến Lôi Âm Tự, Phật tổ đã dạy phát, nhưng vì không có lễ mễ nên hai ông ác Nan Ca Diếp phát kinh trắng (bạch tự) té ra trên cõi Phật cũng biết đòi.
Sau đây là hai vụ ăn hối lộ mà tôi đây là chánh phạm. Tôi lấy công tâm mà nói. Người đọc xin cũng lấy công tâm xét giùm:

Một đời tôi là ai công chức, trước sau ba mươi bảy năm cực trần ai, ngày nay sực tỉnh thấy mình không khác một con đĩ già tuy quá tuổi nhưng còn chút trinh bạch. Nghĩ ra hay giỏi, còn trinh làm sao được khi đã trải thân đi khách đủ mặt: Tây, Hữu, Diệm, Kỳ! Còn tệ thì nhắm cũng chưa tệ mấy, vì ngót hai mươi năm (1923-1943) ăn lương của Pháp và mười bảy năm (1947-1964) làm công nhựt nơi Viện bảo tàng, tôi dám khoe chưa nhận một đồng xu hối lộ.
Nay về già, tay cầm cuốn sổ hưu bổng tỷ lệ, nhớ lại cái kiếp làm trâu ngựa đã mòn vai chai cổ, hồi tưỏng lại âu cũng là tiền căn hậu kiếp. Mà cũng vì hoàn cảnh bắt buộc, chạy giặc hết tiền mượn cha trở lại đút đầu vào tròng công chức để sống. Nhưng đèn nhà ai nấy sáng, chuyện chén cơm nồi gạo, nói nhiều làm chi cho tốn thêm bọt oáp.

Ăn hối lộ, không bị bắt tại trận, gọi là may mắn. Nhưng sự ô nhục tự làm hèn phẩm giá, từ trong lương tâm ẩn tàng đời đời kiếp kiếp, sống để bụng chết đem theo, làm sao gột rửa cho ra?
Không ăn hối lộ thì nhờ. Ai tra ai khảo mà hòng phanh phủi, tự đức? Chưa chắc gì khỏi ăn, vì người dâng có nhiều hình thức:
- Khi nhận một bao gạo thơm đầu mùa của đứa trẻ con nhà giàu đem biếu thì thầy giáo đã nhận của lễ trá hình; khi không thể từ chối - từ chối sợ mích lòng - một chục hột gà so của gia quyến người bịnh dâng ông bác sĩ, có nên gọi ông bác sĩ nhận của đút hay chăng? Một đứa trẻ khác ôm một giỏ ổi chín và chuối rục đến tặng thầy mà rằng: “Má tôi sai tôi đem cho thầy mớ nây, vì ở nhà heo nó cũng khứng thèm ăn!”.
Theo tôi tưởng một khi heo nó không thèm ăn, thì của ấy, thầy giáo, nếu là tôi, tôi không chê vậy.
Một ông quan văn hay võ, nhận một vỏ đạn chưng trong phòng làm chiến lợi phẩm tịch thu của địch, hoặc một chục bưởi dịp Tết hay một chục xoài đầu mùa, một gói trà thơm của Hương Cảng, của Đài Bắc, nhận một toa thuốc gia truyền trị bịnh no hơi, đều là nhận hối lộ cả.

Và chăng chữ “bổng” thường đeo chữ “lộc”. Bổng lộc, hai chữ đi đôi. “Bổng” là tiền lương chính thức của quan lại, “lộc” là lộc trời cho, ai được nấy hưởng. Xanh xanh trên kia là trời, mà thằng đần cũng là trời. ý dân là ý trời, lòng dân là lòng trời và của dân là của trời. Dân cho được phép hưởng, duy chăng nên đòi. Chỉ khó phân biệt thế nào là cho và thế nào là ép buộc. Cả hai cách nhau có một tấm màng trinh.

Chị thơ ký con đùm đề, chồng đi lính xa, nhận một chục hộp sữa nuôi con của ông cai thầu muốn gấp lãnh tiền phát cho cu-li, nhẹ tội hơn một ông trường trai nuốt sâm yến của mấy mụ goá chồng chuyên nghề cho vay cắt cổ.
Bây giờ chuyện gì đem ra nói cũng đều sợ đụng chạm. Chi bằng dem chuyện của mình, dẫu nói không ai tin, nhưng nói đề hả hơi cũng tốt.
Sự thật tôi tự xiết lấy tôi, cũng không hay gì hơn ai và có phần cũng giống như ai: bụng vẫn ghét hối lộ, ai mà không ghét? Nhưng nếu có cách dâng nhã, gói ghém, không đến lộ liễu, ai chớ tôi ắt khó chối từ. Ghét bởi đó là việc xấu, người đang đào thải; còn ưa là vì ai cũng đều có tánh hám tiền. Đừng làm như ông kia, bình sanh không lấy một cây kinh gút hay một cây viết chì trong sở, nhưng khi gần chết, Thống đốc Nam Kỳ đến viếng hứa cung cấp cho ba chục mẫu lương điền trong Chợ Lớn ông cười nhắm mất đi xuôi.

Trước khi chê bai việc người làm. hãy tự xét mình có thật quả trong sạch không trước đã, nếu thật sạch muốn phỉ nhổ vào người thì mặc. Bằng như vẫn cũng là bọn ăn của dân, miễn đừng đục khoét là được rồi. Đứa rủi bị bất thì ngồi tù bị chế giễu. Đứa may chưa bị thì ngồi nhà nghí ngố, cười ruồi, thế thôi!

Phần tôi, đến tuổi hưu mà chưa táp được tôi không cho là hay. Tôi hư trong bụng tôi biết. Có lẽ tại kiếp tôi là con đĩ làm cao, đòi quá mắc nên không ai thèm kêu đi khách. Bộ mặt của tôi buổi đó, tôi nhớ lại, không khác mặt gái giang hồ làm dáng, kịp đến già, chữ trinh còn đây là vì xấu xí không ai thèm. Cho ít sợ tôi la, cho nhiều thì người ta tiếc.

CHUYỆN THỨ NHỨT - ĐÂY CÓ NÊN GỌI LÀ HỐI LỘ CHĂNG?

Nãy giờ nói nghe mạnh miệng, chớ nếu có thật ăn hối lộ thì làm sao chạy án? Nhắc lại năm 1923 tôi ra làm thơ ký thí sai nơi Trường Máy. Năm 1924, tôi và Lạc thơ ký nơi Khám đường tục danh là Khám Lớn Sài Gòn, cả hai được bổ nhiệm thơ ký thiệt thọ hạng sáu, lòng mừng từ đây khỏi bị thí sai sai thí, nên tôi đi tìm Lạc để chia vui. Cuối tháng chín, tôi lãnh lương gần trăm bạc trong tủi đếm từ đồng, xọc xạch sáu mươi chín đồng lẻ mấy cắc, vì họ trừ mấy xu con niêm. Cộng với một trăm ngoài tiền Ba tôi cho làm tiền tuỳ thân, thì cả thảy được gần hai trăm đồng, giàu hóm. Mừng mừng tủi tủi. Mừng vì đây là bổng lộc của chánh phủ cấp cho. Tuổi ấy, thời buổi ấy, cũng chưa biết phân biệt chánh phủ nào với chánh phủ nào, duy biết theo lối văn chương chập chũm, thì đây cũng tạm cho là “phấn nước ơn vua”(?). Mừng rồi lại tủi vì bình sanh muốn lựa nghề thanh cao, làm lương y cứu nhân độ thế, làm giáo sư dạy dỗ kẻ đến sau, té ra trở nên một thơ ký quèn cho Tây. Cái số đứng đường, để cho người sai, đón đưa tiếp khách, không làm sao tránh được. Mặc cho số kiếp.

Có sẵn tiền trong túi, nhớ anh đậu số 4 lọt Khám Lớn là Lạc, bạn đồng song năm trước ở Chasseloup, nên tôi đi ngay lại đường Lagrandière (Gia Long, chỗ Thư viện quốc gia ngày nay). Đến cửa khám, thấy người ta bu đông nghẹt nơi bên cạnh, vì ngày ấy là ngày cho viếng thăm tội nhơn. Một cô thiếu nữ Tàu ăn mặc sang trọng, xinh đẹp như hoa, đứng gần một chiếc ô tô Delage bóng lộn, nhưng cớ sao mặt mày ủ dột, vừa thấy tôi bỗng sụt sè như muốn bày tỏ chuyện gì. Tôi bước lại gần, cô cầm một gói đồ có bao tờ nhựt trình, tuy chưa biết tôi là ai, nhưng đã nói tiếng Phắp cắt nghĩa muốn gởi gói ấy vô cho cha chồng, ngặt cô chưa xin được giấy phép. Lúc ấy tôi vừa háo tháng vừa có tật ưa nịnh đàn bà, cô lại xinh đẹp quá, nên tôi lãnh mạng đại, vì chuyện chi chớ chuyện gánh bàn độc mướn, ai không biết, chớ tôi là số một. Bữa ấy tôi mặc một bộ đồ tussor mới may và diện thật kẻng. Thấy bộ gió của tôi và nghe tôi trâm một câu tiếng Tây trong trẻo, muốn vào thăm thơ ký Lạc làm việc nơi văn phòng ông chánh chúa ngục Agostini, viên đội Tây gác cửa lật đật mở cửa cho tôi vào không xét không tra, nhưng đến chừng tôi bước qua khỏi ngạch, viên đội khoá cửa lại nghe cái rầm, khoá hai tua, tôi thấy cửa quá dày và cái chìa khoá to lớn khác thường, trong lòng thấy nao nao, định thối bộ lui gót thì viên đội dường như biết ý nhoẻn miệng cười và nói một câu pha lửng: “Không sao đâu. Anh vô đi rồi lát nữa tôi mở cửa cho mà về”. Yên tâm rồi, việc làm đầu tiên khi gặp Lạc là tôi xin Lạc trao gói đồ tận tay người thừa lệnh. Để cho Lạc ân cần hơn, tôi nói dối đó là người thân bên vợ tương lai. Lạc niềm nở bao nhiêu thì tôi lật đật lửi đửi bấy nhiêu vì lòng đi thăm bạn của tôi đã mất. Tôi chỉ nóng báo tin cho người đẹp rằng sứ mạng đã xong và tôi chỉ sợ người đẹp bỏ về. Cô gái đi xe Delage cám ơn líu lo bằng một câu tiếng Tàu, nhưng tôi nhớ mãi sau đó cô hỏi tôi địa chỉ bằng tiếng Pháp giọng học sinh trường nữ Marie-Curie. Khỏi nói tôi đã đưa danh thiếp của tôi trong ấy có ghi rõ địa chỉ và số đường sở tôi làm.
Vài ngày sau, đang giờ làm việc một buổi chiều, có người mời tôi ra phòng khách trường máy. Đó là một bác tài xế vận âu phục chỉnh tề, trao tôi một bức thơ chữ Pháp có ký tên là chủ nhân một đại dược phòng danh tiếng trong Chợ Lớn. Trong thơ cám ơn tôi đã giúp tận tình thân nhơn y trong khám đường hôm trước và ân cần mời tôi thứ bảy tuần sau thế nào cũng đến dùng cùng y một bữa cơm Tàu thân mật tại đại tửu lầu Đức lợi (Teck-Lỹ) đường Quảng Đông nay là đường Triệu Quang Phục, trong thơ nhấn mạnh và gạch một hàng chữ “mời tất cả quý quyến cùng đến dự” nguyên văn chữ Pháp “avec toute votre famille”.

Đã nói tôi có tánh bép xép và mau mẩn trong mọi chuyện, cho nên việc làm đầu tiên khi nhận tấm thiệp là đi rêu rao khoe khoang khắp anh em trong sở, lại còn làm tài khôn chạy lên phòng nhì (2è Bureau) dinh Thượng thơ, mời mọc bao nhiêu bạn bè mới quen cũng mời, vì thân quyến tôi trên nầy không có: “Mấy anh muốn ăn cơm Tàu không tốn tiền, hãy nhớ ra đón tôi tại ga xe lửa điện đầu chợ Bến Thành, thứ bảy tuần sau, đúng bảy giờ tối, bao nhiêu người tôi cũng đài thọ nổi”. Cố nhiên tôi có mời Lạc và ông Phủ Hiệu của Khám Lớn.

Đúng ngày hẹn, bảy giờ kém mười lăm, tôi ra ga Chợ Mới lúc ấy đặt tại chỗ bót Lê Văn Ken, tôi thấy một nhóm “chết đói” mười một người, với tôi là đủ chục mười hai, vừa trẻ vừa sồn sồn, bạn cũ năm xưa cũng có mà bạn mới quen trên dinh Thượng thơ vài trữ tôi biết tôi đã mời lỡ thì đã muộn. Xe chạy, kéo nhau cuốc bộ đến đường Quảng Tống Cái (nay là Triệu Quang Phục) chưa chi tôi đánh lô tô trong bụng vì nghe tiếng kèn song hỷ và tiếng trống Bắc cấu từ trong khách lầu xổ giòn điếc tai. Ngó lên cửa sổ lầu đại khách đường từng nhứt thấy treo một cây cờ chữ lớn rõ là liệu kỳ của nhà đại dược phòng N.T.Đ. Tôi rờ bóp biết chục hai trăm bạc của tôi còn gần đủ, nay nếu vì danh dự, vì thể diện dâng hết cho bọn ma đói nầy thì cũng đành. Tôi mạnh dạn kéo rốc lên thang. Đến từng lầu nhứt, thấy cách dọn dẹp sang trọng quá, bàn ghế trải ngăn nấp trắng phễu, tôi đếm sơ có trên mười cỗ bàn dọn kiểu bát tiên, tôi đâm ra sợ khan, vừa nghi đó là chỗ dành đại quan viên tiệc cưới hay tiệc tân quan khánh bạ nào đó vừa sợ trong bụng nếu ăn nơi đây, sang trọng làm vầy, ắt tổn phí tính nhiều, chi bằng kéo cả lũ lên từng lầu ba là hạng bình dân, may ra hai trăm đồng của mình cũng còn lại chút ít lây lất đến cuối tháng.

Chúng tôi rần rộ kéo lên lầu như nhóm lính bạt ti xăng đi xét nhà. Vừa tới đầu thang thì có một chú Ba Tàu ăn vận theo thầu xáng tửu lầu chận lại lễ phép hỏi đi đâu mà đông dường vậy.
Tôi cẩn thận rút thiệp mời chìa ra và đáp đi ăn tiệc do thơ mời của ông mỗ.
Chú Ba Tàu nhoẻn miệng cười bày ra hai hàm răng giả bịt vàng vàng khè, rồi chỉ tay mời xuống từng lầu chỗ có treo cây đại kỳ, mới ngán.
Tám giờ gõ, kiến cấn bụng từ lâu, anh em đòi ăn như giặc, vì mấy đĩa đậu phộng rang và hột dưa đỏ đã hết sạch Tôi giả lờ làm tỉnh kêu “mì” cho đỡ tốn. Nghe có tiếng dạ rân, giây lát thầu xáng bưng lên mười hai tô mì, mỗi tô đều có đồn đột gân nai vi cá và giò heo Bắc thảo. Tôi húp mì mà sợ cho hai trăm đồng bạc của tôi sẽ bay theo mười hai tô nầy, nên nuốt không vô. Tôi thầm trách thầu xáng muốn trách mình, hễ kêu mì thì đem thứ mì đoàn thể công cộng, một tô xộn xên tiết kiệm cho người ta nhờ, ai cầu vẽ viên cách vật, mỗi người mỗi tô cho thêm báo.
Đến chín giờ cũng chưa thấy ông chủ đại dược phòng đến. Mẹ ôi! Nếu ông không đến, tức ông khinh rẻ mình. Có nên giận chăng? Giận lẩy sẩy cùi! Đừng giận mà hư việc. Thầm vái giây lát ông đến thì mọi việc êm xuôi, chuyện gì mà khổ tâm vô ích.
Đồng hồ gõ chín giờ mười lăm. Anh em thúc: “Ăn bậy cái gì rồi về, khuya rồi”. Chuyến nầy tôi kêu rành rẽ hai đĩa cơm rang Dương châu hay Cantonnais gì đó, thứ nầy ăn mau no và chắc không quá số tiền hai trăm đồng mình có. Cơm đem lên ăn vừa được nửa chừng, bỗng ông chủ cao lâu đi chơi về, ghé chào khách quý ăn tiệc phòng sang ông thấy chỉ có mười hai Ớ Nam Dành, tuy vậy ông niềm nở bắt tay từng người và hỏi sao bữa tiệc kém hào hứng, có phải vì thức ăn kém ngon chăng? Tôi tỏ thật và phiền vì người chủ mời mà không có mặt khiến khách mất vui.
Ông chủ tiệm nghe tôi nói chưa dứt câu vụt cười xoà, sai thầu xáng mau mau dẹp hai đĩa cơm rang và cắt nghĩa: “Theo phong tục Tàu, nó (tức chủ nhân đại dược phòng, người đứng ra mời khách), nó không đến đâu, đừng chờ nó thất công Nếu nó đến, sợ có mặt nó, mấy ông ăn uống không tận tình. Nó không đến là nó có ý kính trọng khách đó? Ăn nhiều thêm nữa đi! Ăn chết cha nó đi! Kêu dội thêm đồ ăn ngon, ăn nhiều nhiều đi! Ăn ít như vầy, tôi lỗ vốn, hề hề, chết cha đi còn gì. Ăn nữa đi mà. Ăn hết gia tài của N.T.Đ, nó cũng không nói, sợ cái gì. Các chú đãi khách là vậy đó mà”.
Tuy lời nói không thanh bai nhưng giải được nỗi lòng, và mười hai cái mặt khách nở lớn như mười hai cái đĩa bàn cỡ hai tấc.
Lạc Khám Lớn có rượu đã ngà ngà, trách tôi dại dội: “Bày đặt kêu mì, kêu cơm rang, nay đã cành hông, còn nuốt sao vô?”.
Tôi mượn anh Phán Thành và Năm Xuân Trường Máy chạy xuống lầu, thổi kèn lập binh (sonner le rappel), chạy gõ cửa từng nhà, gọi các bạn cũ còn thức, đứa nào có cơ ngơi trong phố gần khách lầu, thằng Trân Xã Tây nhà ở đường Trần Hoàng Quân, kỹ sư Hiệp, hội đồng Phát, anh Tư Phước, ông giáo Đồng, dặn súc miệng sơ lên đây ăn tiếp tay một bữa cho người Tàu kiên oai và cũng cho lại gan ông chủ nhà thuốc lớn có ý khinh đời. Nhưng trời đã khuya, lúc ấy hơn mười giờ, nhà nhà đều ngủ, đã làm một giấc, và gọi người nào cũng đều ngái ngủ say ke, không ai khứng đóng vai đạo binh hậu tập!

Ông chủ cao lâu gọi thầu xáng sai lấy nước nóng có ướp dầu eau de Cologne cho chúng tôi rửa mặt, sai gọi gấp hai tên tẩm quách đấm lưng và bóp vai vuốt ngực o bế mười hai con gà đá chồng độ khác! Thiếu một điều nói xin lỗi. Ông muốn chúng tôi chọc ọe trả hết mì cơm, để cho bao tử mệt làm việc lại như lúc chưa ăn!

Ông bày biện đủ phương pháp của ông biết, nhưng chúng tôi ăn uống uể oải, mười hai đứa chia ra ngồi hai bàn dọn hai mâm vì vèo mà thức ăn còn ê hề không sứt mẻ phần nào. Chủ tiệm lắc đầu than lỗ như bộng. Rồi ông sai bưng lên hai mâm đèn đặt trên hai bộ ván thứ gọi là sập ba thành dành cho tiên ông đi mây về gió, ông gọi hai á múi đến làm thuốc và mời mọc: “Hút chơi ít điếu cho mau tiêu”.

Mười hai giờ, chúng tôi kéo nhau xuống lầu. Chủ tiệm còn thức cầm nán lại, lấy bàn toán ra gõ lắc các tính tiền rồi lắc đầu, đưa tay mời chúng tôi trở lên phòng như cũ. Chuyến nầy ông sai dọn lại nắp bàn mới, triệt hết ly chén, lấy trà thơm chén sứ ra dâng khăn nóng lau mặt lại nữa, rồi dạy lấy hai ống sành ra môi ống có để sẵn một mớ thẻ tre giẹp giẹp mỏng mỏng y như thẻ xin xâm các chùa Tàu. Tôi không hiểu chuyện chi còn mảng chần chờ ông cắt nghĩa đây là cách mời “hoa khôi biết nói” vì á múi quá đông nên phải bày ra cách nầy để tránh tiếng vị tư vị kỷ, các á múi cũng vui mà các phì phà chảy (con hát) cũng không cự nự.

Tôi nghe lời rút thăm trúng bốn cô mại mại như có tên rất đẹp: Cúi Ên (Quế Anh), Dục Nụi (Ngọc Nữ), Á Ngò (Cô Nga) và Hồng Hứ (Hồng Ngư). Giây lát có bốn cô gái lên phòng, toàn dưới tuổi hai mươi, hai cô tay ôm mỗi người một cây hồ điệp cầm, hai cô nhỏ tuổi tay cầm quại tay cầm khăn nhỏ che miệng làm duyên. Ngặt nổi đôi bên ngôn ngữ bất đồng nên chẳng có thú vị chi cả.

Các cô chào chúng tôi rồi ngồi một bàn riêng, rồi lên dây đàn như để trả nợ quỷ thần. Hai cô ca eo éo, chúng tôi như vịt nghe sấm. như trâu nghe đàn. Hết tốp nầy kế tốp khác, cả bốn cô cũng muốn thi thố tài năng, nhưng phong tục Tàu đứa nào đi lại Ớ Nàm thì kể như bị ô nhiễm, bọn họ tẩy chay luôn sau nầy vô phương làm ăn, nên gái Tàu ít dám nhảy dù với con trai Việt. Lạc Khám Lớn lim dim ngủ gà ngủ gục. Th. Trường Máy kéo ống vố rồi lấy á phiện nướng đặng bỏ túi đem về nhà, Tôi bị ma men hành, lại gần một á múi vừa đụng nhẹ vào má. Nhưng như bị điện giựt tôi nghĩ “ái” một tiếng y như con búp bê có lò xo kêu, cô hết hồn, và tôi cũng cụt hứng.

Nhưng bữa tiệc dẫu vui đến đâu cũng không thể kéo dài được mãi. Đến hai giờ khuya, mòn mỏi quá chúng tôi xin về. Ông chủ quán phen nầy lắc bàn toán, cười cười cho hay bữa tiệc giá bảy trăm sáu chục đồng, nên chi ông tặng mỗi đứa chúng tôi một chai eau de Cologne hay ai thích thì một hộp xì gà Corona, để tính chẵn tám trăm với ông chủ đại dược phòng. Hai trăm bạc của tôi vẫn còn.

Một tuần sau tôi mới được biết mặt ông chủ nhà thuốc. Xe ghé trước cửa Trường Máy. Ông người còn trẻ, có vẻ rất sang, và tánh tình nhã nhặn. Tôi trách ông bữa tiệc làm quen hoá bữa tiệc khinh thường, ông tạ lỗi nói y lời chủ hiệu cao lâu đã nói hôm trước.

Ông thú thật trong gói tôi đưa vô khám có chứa một bức thơ quan trọng, ơn tôi giá đáng ngàn vàng. Tôi nghe mà hết hồn cho việc làm tắc trách hôm trước, giỡn với lửa mà không ngờ. Ông mời tôi đến nhà nhưng từ ấy tôi không gặp ông nữa, bóng hồng thì đã vầng bặt từ lâu.

Bây giờ mới biết vì chuyện vô khám thăm bạn học cũ, tôi đã phạm hai tội: một tội đem thơ kín còn tội kia xin cho tôi tự bào chữa. Tôi không có nhận tiền và việc không có sấp đặt trước.

Theo tôi, đây là lộc trời dành một cảnh du nhập Thiên Thai tân thời tiếc thay tôi và các bạn tôi không có số để tận hưởng. Nàng tiểu thơ trước học Marie Curie quá nhã nhặn đã trả ơn tôi một cách quá hậu, nhưng thưa tiểu thơ, một cái liếc của cô còn hơn gấp mấy số bạc ngàn do cha cô đã phí.

8 (tt)
Hối Lộ


2. CHUYỆN THỨ NHÌ - MỘT VỤ HỐI LỘ HỐI CẢI KỊP THỜI.

Năm 1929, tôi nghèo cúng lắm. Trong nhà thiếu trước hụt sau, mắc nợ ba trăm đồng bạc thôi, mà quanh đi quẩn lại tháng nầy qua tháng kia, vẫn vá víu mãi không trả nổi. Hỏi mượn một trăm của nầy, của Khôn, Khanh, anh em bạn tốt trong sở, đem đắp chỗ kia, cứ quây quần như vậy không khác đắp bờ đê, chung qui nước vỡ bờ vẫn tiếp tục.

Ác nghiệt nhứt là trong tay có sẵn tiền mới là nguy hiểm, vì tiền ấy là của công, tiền trong kết bạc toà bố, chánh phủ giao tôi giữ với chức vụ ký lục phát bạc (comptable, agent de paiement).

Chức nầy trước kia giao phó cho quan lại lang-sa đứng hàng thứ ba trong tỉnh sau vị tỉnh trưởng Pháp gọi Chánh Tham biện (ông Chánh) và sau vị Phó Tham biện (ông Phó). Qua đến thời bình, nhiệm vụ bớt gay cấn, chức nầy mới phó thác cho người Nam coi, vì vậy còn lại danh từ nôm na gọi ký lục phát bạc là ông công táp.

Thỉnh thoảng trong cơn gấp rút, tôi có ký bông khi mượn mười đồng làm vốn đi đánh bài, khi khác mượn hai chục để mua đồ xưa, nhưng tôi cân làm sao số tiền mượn không quá lương tôi lãnh, có bề gì, rủi thanh tra xét tủ, mất mát đôi ba chục, đổ thừa làm mất, bất quá thường tiền chớ không đến nỗi bắt tội hà lạm thụt két.

Cái năm 1929 ấy tuy vậy mà tôi hạnh phúc nhứt đời duy không biết để mà tận hưởng: ngoài sở chúng bạn yêu vì, quan trên trọng dụng, trong nhà có vợ đẹp, gia đình tuy thiếu hụt nhưng đầm ấm, cái hoạ ngoại tâm vẫn chưa nẩy mầm.
Nhưng cũng bởi nghèo túng, cho nên tinh thần thường dao động. Mặt khác bản tánh vốn ngay thẳng nhờ cha mẹ khéo dạy từ nhỏ, rốt lại không được sự dao động xưa. Tôi xin thuật lại như sau một vụ toan ăn hối lộ may thời đến phút chót ngưng lại kịp.

Nguyên từ lâu, ông cai tổng cao niên trên Cái Tàu thượng, L.H.H., làm mất lòng tín nhiệm của ông chánh phủ tỉnh tên là F.Barloli. Trước khi về nghỉ bên Pháp, ông nầy để mật thư lại cho ông chánh kế nhiệm là ông L. Pech đề nghị nên giải nhiệm ông cai tổng, viện cớ là tuổi già, khả năng chống cộng kém. Tôi quên nói lúc ấy là lúc bắt đầu có nạn cộng sản tại Sa Đéc, nhứt là ở Cao Lãnh và Cái Tàu thượng, nhưng nhẹ thôi, như bày cho dân không đóng thuế, xin bớt thuế, vân vân. Tụ tập la ó ban đêm bởi ban ngày lặn mất, để chờ tối hôm sau tuyên truyền thuyết mới nơi một làng khác. Họ dùng ớt chín kết làm tràng hoa cờ đỏ búa liềm thả trôi sông trên bè chuối hoặc treo băng-đơ-rôn phản đối nơi chỗ hẻo lánh chớ chưa hề có bạo động lớn đến xảy ra án mạng. Sở dĩ có mật thư cũng vì chút tư thù, ông cai không dâng lễ mễ nào trong khi ông chánh F. Barloli, có tiếng là người ham ăn của đút. Thậm chí mấy thầy ở toà bố, trừ những người có khả năng không sợ bị hớp hồn, chớ thầy nào yếu bóng vía đều phái cúng kiễng lễ vật mới được bình an. Ông chánh cũ có mượn của một thầy cai tổng một con bò sữa để mỗi sáng có sữa tươi cho ông pha cà phê; khi ông về xứ mời thầy cai đến lãnh bò về, ông cũng tìm cách khen thầy cai hào hiệp bằng cách ép thầy cai mua giùm hai cái xe đạp của con ông thôi dùng; bao nhiêu ấy đủ thấy thủ đoạn cao cường của một ông chăn dân có nhiều mánh khóe. Cũng vì thầy cãi L.H.H. không chịu dùng kế “cho mượn bò lấy sữa” mà biến ra cai hoạ tâm thư đề nghị sa thải ông.

Trong hồ sơ để lại, ông Cai H. đã 54 tuổi, cũng đáng tuổi về hưu, nhưng tôi không tin nơi hồ sơ và có ý muốn biết mặt ông cũng như muốn biết thêm về ông để dễ bề định đoạt; nghiệt nỗi ông ít đến toà bố, mỗi tháng lãnh lương do tay tôi phát, ông cũng ít năng đến lãnh hoặc nhờ người khác lãnh thế thành thử giữa ông và tôi cuộc tiếp xúc dường như không có.
Cái hoạ sau lưng ông cai và càng cấp bách nguy hiểm hơn là ông có một phụ tá cộng sự viên là bang biện phó tổng H.T.S. rấp ranh giành chỗ ông mà ông chẳng hay biết.

Nay nói về nguyên tắc, muốn cho về hưu một vị cai tổng thì ít nữa phải viện khá nhiều lý lẽ vững vàng, tỉ như tuổi già, sức yếu, khả năng làm việc thiếu kém v.v... Trong hồ sơ tôi cầm trên tay, các lý lẽ ấy đã hội gần đủ: tuổi về hưu theo nguyên tắc là 55 mà ông đã tuổi 54; ông thường xin nghỉ việc để đi chơi khi Đà Lạt, khi Vũng Tàu, sau mấy giấy phép sao lục ngờ ngờ còn trong hồ sơ lại là những chứng cớ hùng hồn rằng ông thường bịnh hoạn, tuy mấy lần làm quan chánh đến tổng giản dân ông đều có mặt ứng hầu, nhưng những lần có tụ tập hay bạo động chỗ nào, thường thầy bang H.T.S. lãnh đi thế, ngờ đâu mấy việc vặt ấy nay trở thành cáo trạng tố cáo ông cai ít hoạt động, không bằng thấy phó xốc vác hơn. Ông phố không lánh nặng, ông cai ưa tìm nhẹ. Còn một phần thừng điểm của ông cai già là ông có uy thế dân trong tổng kính vì.
Trong khi ấy, ông bang biện phó tổng tuy trẻ hơn một chút nhưng gia thế sự nghiệp cũng tương đương chẳng kém sút gì ông cai. Cái thua điểm của ông nhỏ nầy là uy tín không bằng ông lớn, kể về hành chánh và kỉnh nghiệm thì ông trẻ vẫn thua ông già.

Trong những buổi tôi tiếp xúc với anh em trong sở, tôi hỏi thăm kín thì phần đông cho là ông cai có tánh kiêu, hơi khó chịu, thua ông bang biện biết đãi bôi chiều chuộng dễ chịu hơn; dễ chịu với khó chịu đây tượng trưng, sau tôi rõ lại, là một ông ưa cho trái cây trong vườn làm quà (thầy bang S.) còn một ông tánh sẵn rít lại có nho phong, không muốn nhờ lễ mễ bấc cầu giao thiệp gây cảm tình. (ông cai H.); Cái sẩy nẩy cái ung là vậy.

Một chi tiết nhỏ làm tôi giựt mình là cả hai đều: một ông S. là cha vợ của giáo sư cử nhân khoa học, anh Cang vốn cùng tôi người đồng xứ, và cũng đồng song, còn ông H., vốn thân phụ của anh Lê Hồng Đô, một bạn đồng trường Đô học ban lang-sa (quartier européen), tôi học ban bản xử (quartier indigène) nhưng cả hai cùng học đờn vĩ cầm cùng một thầy là Sersot; về điểm cảm anh đồng song, tôi cho cả hai đều cùng một điểm không ai hơn kém.

Cân đi xét lại, tôi thấy thầy bang chạy chọt quyết làm cho ông cai về vườn để thầy lên thay thế làm cai tổng thực thụ. Ông cai vô tình, không biết mình suýt mất chức, việc giải nhiệm còn giữ kín, tuy ông không tìm giáp mặt tôi nhưng có lẽ sao chiếu mạng của ông còn tốt khiến nên gặp tôi sẵn tánh quân tử Tàu muốn học đòi tế khổn phò nguy hơn là trợ Trụ trợ Kiệt, để mà vi bạo, vi ngược.
Cho hay kẻ cố tình rình người vô ý, trong khi thầy cai thụ động, thì trái lại thầy bang tinh khôn hơn, nên cậy người thân tín là anh Tám Hoài dọn đường trước bằng cách đưa thầy đến nhà tôi, ban đầu nhắc lại việc thầy là nhạc gia của Cang để “nhìn bà con” xưng hô bác cháu; kế đó thầy đi ngay vô đề hứa xong việc sẽ dâng tôi ba trăm bạc mặt xài chơi, và sau rồi đánh một đòn tâm lý thật nặng là đinh ninh việc rồi tôi sẽ có một cặp choé sơn thuỷ không ai có. Đó rồi thầy tả sự tích cặp chóe làm cho tôi thêm mê mẩn tâm thần, nào là nét vẽ tinh vi đúng là cổ vật đời Kiền Long, nào là trước kia cặp chóe vốn của ông huyện Đước là một danh sĩ cựu trào đàng ta, sau ông Đước thiếu nợ nên gật nó qua tay ông bang Sển tức ông Thái Viêm Thành, nhột hào trường trong vùng. “Nếu thầy, ủa cháu, muốn chơi chóe thì chỉ có cặp nầy là tối nhứt hạng trong xứ không ai hơn. Để thủng thỉnh bác rảnh, bác sẽ nói với ông Sển nhường cặp chóe lại cho bác thì thế nào nó cũng về tay cháu. Cháu chưa biết ông bang Sển, để rồi bữa nào bác sẽ rước cháu lên nhà ông ấy chơi một chuyến để làm quen. Ông Sển có cái duyên lạ lùng về đồ cổ là ông thừa hường, vì gật nợ, bao nhiêu của sưu tập của ông huyện Đước, mà mỗi món đều có chạm nơi đáy hai chữ tử âm “H.Đ” “(Huyện Đước)”.

Ông S., và anh Tám Hoài ra về, tôi không hứa điều gì với ông duy với anh Tám tôi đã nói hai tiếng thòng đầy ý nghĩa là để coi Đại phàm lòng dục vọng của mỗi người có giới hạn. Nếu bao nhiêu chưa đủ xiêu, thêm cứ thêm nữa thì có ngày cũng đến.

Với người thường, một tô mì đã đủ no, nhưng gặp đứa khỏe, năm ba tô cũng chưa vừa, cái dạ dày, cái bao tử của thằng nầy nó thun giãn không chừng; khéo tâm lý là người có mắt để đo lường cho đúng. Cái tham của ông bộ trưởng chê hút thuốc lá thì hãy biếu ông xì gà nguyên hộp. Đứa nào tham gái thì hãy lấy sắc giục lòng.

Với kẻ không hám tiền, một cặp chóe đã gieo vào đầu óc tôi một món thuốc độc còn lợi hại dữ tợn bằng mười thuốc phiện. Ai có qua cầu mới hay, và người chưa hút xin hãy khoan cười người ghiền gập. Đối với tôi, tiền bạc tôi không ham nhưng chỗ yếu của tôi là ham đồ cổ. Một con đĩ không khác, thập thò muốn đi khách mà chỉ đợi giá cao.

Bù qua chế lại, vụ nầy nếu tôi làm xong tức cho về hưu một ông cai mà hồ sơ đã chín mùi, và cất nhắc ông Sum nầy, thì tôi vừa có tiền ba trăm bạc trả nợ, thêm có hai món vật ao ước bấy lâu, vì tiếng đồn về ông huyện Đước vang dội trong trí óc tôi từ thuở nhỏ. Nói chi đáng lương tâm tôi lúc đó đã đi vắng, nói đúng hơn tôi chưa thấy gì là cắn rứt, dĩ nhiên làm theo hồ sơ có sẵn mà tội vạ gì. Tôi vừa là phạm nhơn vừa là quan toà, tôi xử lấy tôi, thảo nào tôi không cho tôi trọng án.

Khi ông chánh Bartoli rời tỉnh Sa Đéc thì giấy ở Sài Gòn gởi ông chánh mới là ông Louis Pech đến thay. Ông Pech trước có làm chủ tỉnh ở Sốc Trăng, ông có một trai út đến học riêng với ông đốc Gros. Phòng cậu học ăn thông với lớp nhì của ông giáo Chức mà tôi đang từng học, và hai đứa tôi từng quen biết nhau vì cậu thường qua mượn tôi cục tẩy mực. Một hôm thay vì trả, cậu rán mất bỏ vào mồm nhài luôn cục tẩy, và cho đến nay tôi còn nhớ mãi anh Tây con ăn gôm tẩy mực. Bữa bàn giao công việc giữa hai ông đầu tỉnh cũ và mới, thừa dịp tôi hỏi thăm tin tức cậu ấm bây giờ ra sao. Ông Pech có thiện cảm nhiều với tôi từ đó, ông tuổi chưa đến lục tuần, người có phong độ quân tử, tôi chưa gặp người chủ nào ăn nói hiền lành nhã nhặn như ông nầy. Ông có cách làm việc cũng mới. Thường lệ công văn mỗi thầy phải đem lên tận văn phòng quan chủ tỉnh đãi lịnh và hầu chữ ký; đàng nầy ông bổn thân sớm và chiều hai buổi đi đến bàn làm việc từng người, ôn tồn hỏi han rối ký lên tại chỗ, việc nào cấp bách mấy thầy được lên trình bày và ông giải quyết tức thì, nhờ vậy người dân không chờ đợi và cả thảy đều bằng lòng. Từ ngày ông đến trấn nhậm, cứ đúng mười lăm giờ là có ông đến phòng bút toán, tôi nhường chỗ tôi cho ông ngồi, ông đàm đạo với tôi ngót nửa giờ rồi mới lên văn phòng ở lên lầu toà bố. Cử chỉ thân mật ấy làm cho các bạn tôi đều lé mắt nể tôi, vì thuở nay muốn được thân thiện thì phải đút sáp, chỉ có ca tôi như nầy, chính tôi cũng lấy làm lạ, sau tôi hỏi, ông cười đáp: “Thầy đồng chạn với con tôi nên tôi nhớ con mà thương thầy?”. Một bữa nọ, ông gọi tôi lên văn phòng nói chuyện tâm tình và ướm lời mời tôi vô ở chung trong dinh. Ông lấy cớ dinh quá rộng, ông sống độc thân, có bịnh đau tim, vì vậy mỗi lần từ dinh ra toà bố ông phải ghé văn phòng tôi để nghỉ mệt, gia đình ông đều ở lại bên Pháp, phu nhân đã từ trần, tiểu thơ còn đang học và cậu ấm mà tôi quen thì đang tuổi thi hành quân dịch. Gặp người khác, tôi dám chắc, nếu được mời như vậy ắt đã lập tức nhận lời ngay, để mặc tình tác oai tác phúc, vì có mấy thuở tôm dựa cửa rồng, thơ ký quèn mũi tẹt ở chung một dinh với quan tham biện chủ tỉnh. Nhưng tôi điềm nhiên xin để vài ngày suy nghĩ. Trong thâm tâm mặc dầu u tôi là thằng hư, nhưng lúc ấy tôi sáng suốt và lý luận thầm, cái chỗ ấy bất quá là vai tuồng đày tớ ruột gẫm không sang trọng gì. Thêm là ai sao được tự do vì lúc đó tôi mê lâm bài thín cầu và đêm nào không chà bài đêm ấy tôi ngủ không ngon giấc. Vài ngày sau tôi lên thú thật, một lẽ quan trọng tôi xin nói và ông Pech cũng nhìn nhận tôi có lý là tôi còn trẻ quá, vợ tôi còn nhỏ hơn tôi nữa, nay hai đứa ở chung với ông, đỡ tốn đã đành rồi, nhưng sợ thiên hạ đàm tiếu dị nghị.

Chớ chi tôi độc thân thì khỏi nói. Việc ông sống cô thân, sau đó tôi giải quyết bằng cách chọn hai người bồi trung tín vào phụng sự sớm tối và rất may hai người nầy không phụ lòng tôi tiến dẫn.

Từ ngày tôi biết ông chủ tỉnh có lòng ái đới, tôi dạn dĩ thêm và đã trực ngôn nhiều lần và tôi nói gì ông nghe nấy. Một việc như sau, tôi chắc không ai dám làm và nay nhắc lại tôi còn ghê rợn cho cái liều lĩnh của tuổi trẻ: Tôi chờ ông chủ quận châu thành Sa Đéc gởi công văn nhắc lại vụ cho về hưu cai tổng Cái Tàu thượng vì kém khả năng và già yếu khi ấy tôi lấy hồ sơ ông cai H., ra dọn lại tử tế sấp xếp giấy tờ có thứ tự phân minh, xong rồi tôi để hết tâm tư thảo nảo thơ đề nghị cho ông về hưu y như lời quan chủ quận yêu cầu với lý lẽ ôn hoà nhưng bố trí đanh thép. Tôi đọc đi đọc lại nảo thơ nhiều lần, chép lại sạch sẽ rồi ôm hết lên trình quan chánh chủ tỉnh. Ông Pech đọc chăm chỉ, phê y không sửa đổi chữ nào. Tôi mừng và hãnh diện về lối hành văn đắc thể của mình, lật đật đem xuống qua phòng khác bổn thân đánh máy chớ không giáo cho đả tự viên vì đây là công văn mật phải giữ nhẹm.

Chiều nội ngày ấy tôi dâng lên lần chót cho ông chánh ký tên, xong rồi tôi ôm xuống lầu thì đã bốn giờ chiều, chỉ còn vô sổ đánh số thứ tự và cho tuỳ phái đem qua sở bưu điện gởi lên cho quan thống đốc chấp thuận, ra chỉ thị ban hành quyết định giải nhiệm theo thủ tục hành chánh là dứt khoát vụ nầy. Nếu xong tôi sẽ co ba trăm bạc trả nợ và có một cặp chóe, sướng quá.
Nhưng thay vì gởi đi, tôi lại đổi ý, cất hết hồ sơ luôn bức thơ có mang chữ ký của ông Pech ký rồi vào tủ sắt, nói dối với thầy Giỏi nơi văn phòng là công văn “ông chánh chưa ký tên” rồi bỏ đó về nhà.

Đêm ấy tôi không nhẩm mắt. Cờ đã về tay không chịu phất lại đâm ra suy nghĩ nát óc, trong lòng muốn đổi cuộc thế lại khác, bản tánh tôi thuở nay là vậy. Tôi trằn trọc trằn xa, lăn lộn không yên mà cũng không dám cho vợ biết. Trí óc rối loạn: một đàng lương tri bừng dậy, bây giờ việc đã gần xong, mới thấy việc mình làm là lếu; một đàng thì lòng dục vọng xui quấy, ba trăm bạc và cặp chóe tuy chưa thấy nó ra sao, nhưng cứ nhảy lung tung trong mắt như tôm tươi đựng trong rổ, lẩn quẩn tôi cứ nhớ: có tiền trả dứt nợ thêm có vật lạ để chơi cũng thích, nhưng làm sao quên cha mẹ mình thuở nay chưa làm điều gì quấy, nay sanh ra mình, có nên vì chút hối lộ đành chôn vùi danh giá dòng họ hay chăng? Dẫu người ngoài không biết, nhưng còn lương tâm nữa chi? Cái lẩm cẩm tánh quân tử Tàu tôi chưa dứt khoát.

Khổ tâm nhứt là việc đã rồi, giấy tờ đã ký xong, mới làm sao đây? Phải làm cách nào, phải trình bày lập luận làm sao cho thuận tai ông chánh, xin huỷ bức công văn đã ký, đổi lại bức phúc trình khác đề nghị phản ngược lại vừa khác ý kiến quan chủ quận vừa trái mật thư quan chánh cũ Bartoli, nay đổi lại xin cho ông cai tổng H., được tiếp tục làm việc y như cũ. Bạc và chóe, tiền và đồ xưa, chúng mi là giống gì hại ta thế nầy?

Qua bữa đó, vô sở tôi định cầm hồ sơ lên ông chánh nhưng ông không ra khách trọn buổi sáng. Trưa về tôi nuốt cơm không vô.

Lúc đó tôi còn đủ thì giờ gởi bức thơ kia đi, mặc cho sự việc trôi theo định mạng, nhưng tôi cũng không làm như vậy. Chiều mười sáu giờ, ông Pech có mặt, tôi đánh liều xách hồ sơ lên và bình tĩnh trình bày tự sự với ông như vầy:
- Thưa ông, đây là hồ sơ ông cai tổng H, mà ông đã xem xét rồi. Sở dĩ tôi trình lại là vì trọn đêm tôi không ngủ, nghĩ lại tôi còn quá ngây thơ e không đủ tư cách để quyết đoán về khả năng ông cai H., trong khi tôi chưa tường tận về sức khỏe và cách làm việc của ông nầy. Thú thật tôi chưa biết mặt ông H, mà chỉ vội xin cho ông về hưu chiếu theo giấy tờ trong hồ sơ. Nay tôi đến yêu cầu ông nhơn một dịp mai đi giãn dân sẽ đến tận Cái Tàu thường lấy theo kinh nghiệm của ông sẵn có mà coi mặt ông cai tổng và tự ông quyết đoán lấy việc nầy.
Tôi định chắc ông Pech sau khi nghe tôi nói như vậy, sẽ nổi lên một trận lôi đình và bắt tội tôi vi lịnh của người, ngờ đâu ông để tôi nói dứt lời rồi ông đứng dậy bắt tay tôi, vỗ vai tôi mà rằng:
- Tôi khen thầy đó. Xin thầy giữ y tánh nết tốt ấy mà ăn ở đời. Thầy là một công chức trẻ tuổi mà đã có một quyết đoán nhứt là một can đảm khác thường. Tôi đây là một công chức già đã từng bị người ta vì phe đảng cho tôi về hưu một cách oan ức. Tôi đã bỏ ra hai năm tranh tụng và nay thắng kiện mới được trở vô làm sau mấy năm bị treo giò vô cớ. Nhờ thầy gan dạ giúp tôi ngày nay khỏi lầm lạc và có dịp giải oan cho một công chức có lẽ ở trong tình trạng bị hàm oan, bị hiểu lầm như tôi thuở nọ. Thầy hãy để hồ sơ đó lại cho tôi.
Cố nhiên ông H, khỏi bị cách chức, nhưng tôi mất cặp chóe và ba trăm bạc. Nhưng đổi lại trong lòng tôi thấy sảng khoái, dường nhưcởi nhẹ một sức nặng ngàn cân đè trên tim. Về sau ông S., vẫn được lên làm cai tổng, ông H., rồi cũng đúng lệ về hưu thâm niên vô sự và cả hai không người nào biết việc tôi đã làm. Việc nầy tôi chỉ tâm tình nói lại với một bạn quá cố là anh Lâm Văn Khôn quê ở Bình Thuỷ (Cần Thơ). Khôn dạy tôi như vầy:
- Mầy lớn gan lắm, dám nói đi rồi nói lại với ông chủ tỉnh. Rủi ông bắt tội mới làm sao gỡ? Mầy chưa biết để tao nói lại cho nghe. Tại toà bố Sa Đéc như hiện nay thì:
- Sở thuế thân là ngon nhứt và no đủ nhứt. Cứ tính mỗi bài chỉ (lá thuế) thầy Quì xin năm cắc thôi, trong tỉnh mỗi năm tỷ dụ có hai chục ngàn dân đinh đến tuổi chịu thuế, trong số kể sơ mười ngàn đứa biết điều thì Quì sơ sơ cũng có năm chục ngàn đồng là tệ nhứt, còn sướng hơn làm chủ quận;
- Sở sanh ý, mỗi tiệm đầu năm đi xét ba tăng, không kể phần ông phó tham biện làm chủ tỉnh ông ta ăn bao nhiêu, bẫm hay nhẹ, không cần biết tao đây tao làm thơ ký Uỷ ban, tao kiếm cũng có từ mười lăm đến hai chục ghim;
- Sở xuất khẩu, thuế thân chức, với bảy bang các chú và chà-và anh Quới rồi anh Lễ. Anh Quới ốm vì ít ăn, anh Lễ mập vì táp dữ, cũng đều có mỗi năm một số huê lợi sướng hơn chủ điền, vì mấy chú Ba Tàu có tiếng là ngọt nhứt;
- Sở đo lường, mỗi chiếc xe hơi thôi không kể, chỉ kể mấy ngàn chiếc ghe trong tỉnh, mỗi chiếc muốn nhập bộ đều có lệ sẵn, chú Năng rồi chú Nam mập thầy, nhưng họ xách thước đi đo rồi tính thuế mà không được bao nhiêu khó bì tụi tao làm bài chỉ thuế thân và làm sanh ý ba tăng;
- Sở giữ bộ trâu bò, cũng thế. Thầy ký Có coi về bộ nầy có tiếng là ke ré cắc rắc nên thiên hạ gán cho thầy danh từ “thầy ký bộ trâu”, thì đủ hiểu; tiếng tuy nghe xấu nhưng được nhiều tiền; quanh năm có mấy trăm ngàn, đổ đồng mỗi con một đồng bạc.
- Sở công nho làng thì ai cũng biết làng muốn khỏi bị làm khó dễ vì làng có cách ăn của làng thì cũng phải chia lại với ông phán Kinh, tuy ông là người có đạo đức, mỗi sáng mỗi đọc kinh mỗi chiều mỗi đạp xe đi nhà thờ;
- Sở hành chánh về ông huyện Học, là oai nhứt vì tay mặt của ông chánh tức gầnmặt trời tuy nấng táp có khi có chừng nhưng tâu ra lâu vô cũng do ông huyện. Xin giấy sắm súng xin vô bộ dân Tây thì chai vì đều người biết chuyện, nhưng mấy ông hương chức muốn được vinh thăng huyện hàm, phú hàm, hoặc muốn tiến cử làm hội đồng tỉnh hay cử làm sung biện, ban biện, phó tổng đều phải đội mâm có sấp nhiều bộ lư hoặc cỡi voi đến nói chuyện, lư và voi là giấy bạc một trăm buổi ấy, không dám dùng tiếng lì xì sợ nhẹ thể quan, và dùng danh từ “dâng bánh sáp”, nghe như lễ cúng thần;
- Sở điền thổ gọi là sở địa bộ, ông huyện Đảnh có tiếng là thanh liêm, nhưng cũng không tránh được nhà giàu họ tự dâng quà cáp khi gạo thơm đầu mùa, khi khác cam bưởi, xa-cu-chê hoặc cho mượn xe hơi hay khi ông lên chức đi lễ thăng quan thật hậu; ông không đòi nhưng tại dân muốn, từ chối là thất sách vì e nỗi mếch lòng, mất tiền thì có, mấy lấy dư tụi nó la làng. Lâu lâu có một dịp thì hưởng, mấy lại làm cao không chịu táp, mấy thằng làm mặt thanh liêm là mấy thằng dại. Mấy tưởng mấy ở sạch, sẽ có người khen, mấy không biết ông Bartoli táp có danh, ông đã úp bộ cho rằng từ chủ quận đến lon-ton toà bố đều ăn hối lộ. Chính ông chánh Bernard trước kia có vợ Việt còn ăn công khai hơn nữa, ông có sắm một chiếc tam bản cho linh chèo để dành rước từ bên sông mé chợ những ai muốn sang sông qua “nói chuyện” với ngài thì khỏi tốn tiền đò, và ngài nhận lễ tại trong dinh cho thêm phần kín đáo, ngài mập cho đến mặt bàn phải khoét lỗ chứa cái bụng nước lèo ngài mới với ký tên tới mặt giấy tờ, khi đi tiêu phải dùng khăn bàn lông kéo như kéo đờn cò chớ tay ngài với không tới trôn, và khi lên thang lầu phải có hai tên tuỳ phái đỡ cái bụng phệ nâng lên thì ngài mới bước lên nấc thang được, y như trên sân khấu lúc Đổng Trác bước lên xe loan hay lên ngai rồng. Riêng ông chánh Le Strat vẫn ngạo mạn, gọi mấy thầy toà bố là lòng tong cá chốt và gọi mấy ông chủ quận là cá xà cá mập toàn loại hoặc ăn dơ hoặc ăn hám. Một mình mầy muốn sạch quả là ngu hết chỗ nói. Muốn sạch muốn tu thì lên núi Tà Lơn hay núi Cô Tô. Ở chợ phải theo chợ và ở đâu cũng vậy luôn luôn phải biết tuỳ thời. Mầy muốn sạch trong đám dơ thì hoặc mấy sẽ bị chúng ám hại cho á khẩu, hoặc thét rồi mầy phải dơ theo chúng thì mới được yên thân.

Khôn dứt lời cười xoà rồi bỏ qua. Nghe vậy tôi nhớ lại mới đó có một hôm, tôi làm thơ ký thị sự đấu giá cung cấp xăng nhớt cho địa hạt, có ông bang Lý Ứng thay vì đóng vào ngân khố tiên ký quỹ hai chục đồng, bởi gấp quá nên ông ghìm một tờ giấy bạc trong bao thơ như vậy là thạp lệ, khi mãn cuộc đấu, ông Lý Ứng không thầu được nên xuống phòng bút toán đòi tờ giấy bạc lại; tôi trả lời rằng tôi không thấy, ông và tôi nói chuyện dang ca rồi đưa lên ông chánh đối nại, tôi ỷ y không nhận số tiền nầy, nhưng ông Bartoli đưa chúng tôi trở lại phòng đấu giá, chỉ giỏ rác, tôi cúi xuống lượm phong bì Lý ứng thì quả trong bao thơ đã xé còn tờ giấy 20$ ràng vàng. Ông Bartoli cười bước trở về phòng, vừa nói: “Je croyais que c était pour vous?” (Tưởng đây là tiền dành cho thầy!) Cha mẹ ôi! Té ra ông lại hiểu tiền ấy không phải là tiền ký quỹ mà vốn là tiền lo lót cho thầy thơ ký Uỷ ban và vì ông có cảm tình với tôi nên cố làm như không thấy để tôi có thì giờ thâu lượm lại, nếu ông ghét tôi thì đã dựng chứng và làm khó dễ tôi lúc khui mở bao thơ kia rồi.

Bức công văn xin sa thải, ông Pech ký ngày 23 tháng mười một, đến cuối năm ông còn mở tiệc tiếp tân đãi sâm banh nhơn viên toà bố và chủ quận. Nhưng sau tết tây ông ngả bịnh rồi đột ngột từ trần trên dưỡng đường Grall ngày 11-2- 1930, vì bịnh đau tim bộc phát.
Từ đó tôi dửng dưng. Tôi vẫn hư, nhưng chỉ muốn hư một mình và không muốn kéo ông bà cha mẹ hư theo. Nămi 1931 tôi được ăn một phần gia tài của bà Phủ An để lại. Tôi trở nên khá đến dư giả thì còn ăn lúc nhúc làm chi? Tôi muốn án cho đáng ăn ngặt nỗi không ai cho. Sau nầy muộn rồi nên từ chối luôn chớ cái hư vẫn còn chất chứa trong bụng.

Những trang trên tôi viết về vài cách thức nhận hối lộ của cuộc đời công chức trào Pháp thuộc. Tại tôi sống dai chưa chết, nay nghe tiếng bấc tiếng chì cũng đáng, nhưng cũng phải để cho minh oan, không phải cả thảy đều hỏng hết. Ngày nay tôi đã về hưu, không khác một thằng chết đuối được cứu sống, cho mặc quần áo ám ngồi dựa mé sông xem ke khác còn chới với trong cuộc ba. Đọc lại bài “Lão kỵ qui y” của ông Tôn Thọ Trường, tôi lấy làm cảm xúc với hai câu kết thúc: “Ngoảnh lại lầu xanh thương những kẻ, Trầm luân chưa thoát nợ hồng nhan”, bất giác tôi xót thương cho thân phận các cán bộ quốc gia bây giờ, quả là cười đau khóc hận. Ngày xưa công chức đú đởn mập thây, bơ sữa tràn trề, lương tuy ít nhưng nhờ đồng bạc lớn, sống còn hơn điền chủ bậc trung. Ngày nay tội nghiệp cho ai, lương mấy chục ngàn nghe lớn mà bao gạo đã hơn hai chục. Xáp ve như rệp đói mà khi cần, nắm đầu bắt gác phòng bầu cử, cơm nước tự túc lấy, đông quá ai nuôi cho hết; đến khi tức giận, nắm đầu ra chửi. Cũng may chửi đổng vì còn phòng sau nầy xin mầy một lá thăm. Ai ăn bám ở đâu no béo thì nhờn công chức thấp bé giả như không biết và chỉ biết nghe chung. Cũng may khi chửi, nói động đến con Lạc cháu Hồng, thì đứa chửi với đứa nghe cũng cùng một dòng giống. Tôi nay xót xa muốn hiểu được nỗi lòng của suốt hơn hai trăm ngàn công chức nhỏ, sống tăm tối tạm bợ khổ cực khắp nơi trong xứ, từ anh phu quét đường, ăn sáng một gói xôi NĂM CHỤC ĐỒNG BẠC không đủ nhét kẽ răng, trưa uống nước lã chiều về thồn ba hột cơm nguội, đến anh khá hơn một chút, làm việc nơi toà hành chánh hoặc đó là đả tự viên, hoặc đó là thơ ký biên chép, dầu là tổng trưởng bộ trưởng phương diện quốc gia, dầu là phu quét sân rút nước hầm cầu, cũng đều là công bộc của xã hội, nhưng tôi có cảm tình nhiều với kẻ thấp vì cốt tử tôi là một tên phán già với cuốn sổ hồi hưu tỷ lệ, những chức tôi kiêm nhiệm như giáo sư đại học, quản thủ Viện bảo tàng, tôi đã trả hoặc cho ngủ êm trong hồ sơ không nhắc tới nữa. Các anh nếu có bị chửi, có tôi nghe với, không chết chóc ai đâu mà sợ, chỉ thương hại giùm chúng càng lớn họng càng tổn đức. Tôi đã thấy gần hết rồi. Đứa giựt một ố bánh mì chó chê thì bị gởi vào trại cải huynh, ông bất tham nhũng mà quà tết đầy nhà, dưa hấu để thúi, bưởi ngon chất đến tháng hai vẫn còn, gà vịt đầy sân toàn là lễ mễ của môn sanh dâng thầy lấy thảo. Theo tôi, mồi thuốc rồi giữ luôn quẹt máy đắt tiền, mượn sách rồi quên trả, đều là cách thức hối lộ mà không cho nói trúng tên.

Đời nay không thiếu chi người cán bộ trong sạch vì bẩm sinh ghét ăn dơ cũng có, hoặc vì tánh nhút nhát “sợ ông cò” cũng có, hoặc vì tánh “rét-lô” cũng có, nhưng thảy đều kể chung một giỏ cá mè, vì dễ gì phân liệt nhơ và sạch.
Người nào hết tham lam được ngồi chung với Phật một bàn. Nhưng Phật gỗ trên bàn vẫn không tránh được bọn gian tham lại gần cúng vái. Chúng tưởng dâng hoa huệ trắng. hoa lai dơn đắt tiền rồi che đậy được lương tâm. Đời nay tà nguỵ dẫy đầy, phật Chúa đâu thèm ngó. Tu hành mà ăn yến ăn sâm phải đợi bàn tay xinh xinh của mấy bà goá phụ trốc đút tới miệng, tu mà thích tôm chua. Có ông trước đây tột phẩm trong hàng lại còn đòi phẩm cao hơn, mặc áo tía chưa chịu muốn đòi mặc hồng y. Mồm ngậm xì gà, ông ngồi xe tột từ xứ Vãng lên đây thăm em ở trong phủ nội, ông quở vang sao có trang trí vuông phòng dành cho ông tốn trên mười triệu bạc, chúng bay hãy đem ghế bố lại đây cho ta ngơi”. Đều là giả dối cả. Cũng cá mè được thể lại dám chê cá chốt ăn dơ. Hãy đi học lại thuyết nhân vị. Khi muốn xây dựng quốc gia, biết thương tiếc của công, ông tướng võ có phận sự giừ gìn bờ cõi, ông quan văn có trách nhiệm đem cưm no áo ấm cho dân, nhưng chớ quên bớt xa xỉ xuất dương, bớt tiếp tân lãng phí, một tên cu li biết khoá nước chảy dư là tắt đèn phải lúc cũng đủ được cám ơn. Nhưng người làm lớn rồi ca tụng gièm pha mà cả vú lập miệng em, quên mình trước khi hoá bướm vẫn là con sâu bò lúc ngúc. Nhưng phần tử tốt còn lại: mặc dầu bị lời nặng nhẹ, xin chớ ngã lòng; hãy nuốt tủi quên buồn, trách nhiệm với thê nhi còn đó. Thương hại thay cho kẻ nào nay ăn trên ngồi trốc, quáng mắt ăn tham để gây tiếng xấu mang chung trong giới quan trường.
Lại đành khinh miệt đám nhỏ đàn cai, giẻ rách đỡ nóng tay, lại quên rằng trong một xã hội không khác trong một cái máy đồng hồ, thiếu một con chốt nhỏ hay là khi bánh xe con không ăn khớp với bánh xe lớn, cả bộ máy tinh vi đều tê liệt, đừng tưởng mình là kim đàng trên mặt đồng hồ chạy được mình ên.
Sức chịu đựng là một đức tánh tốt của người công chức thấp hèn, quân bị hiếp, nhưng xin đừng thối chí. Vui với gia đình, một ngày kia trời lại sáng.
Tôi bình sanh ghét đạo đức giả mà đành hôm nay nói chuyện triết lý suông. Nhưng mấy ai nghe lời một công chức già đã vào tuổi phế thải.

 

 

 9

 

Nếp Sống Quê Ta


ĂN THỊT BÒ GIÁ TRÉO Ở ĐẤT SÉT - NHỚ THÁI VIÊM LỢI (HỘI ĐỒNG LÝ).

Tôi nhớ cố nhân thì nay ông đã không còn. Tôi không muôn viết tên các cố nhân từng quen biết và thích nhau, vì có người nói e đụng chạm tới người sống. Duy tôi muốn nhắc nhưng ân nhân của tôi, và con người như sau bây giờ dẫu đốt đuối vẫn kiếm không ra.
Năm 1928, tôi đổi về làm phát ngân viên tỉnh Sa Đức. Cố nhân lúc ấy làm nghị viên địa hạt, Pháp gọi conseiller provincial hoặc conseiller de province, không có lương, duy mỗi năm có hoi hai kỳ bàn cãi sổ công nho hay việc gì trọng hệ, thì có cấp tiền hiện hữu, mỗi ngày có mặt là mấy chục đồng bạc, có ông chờ để lãnh, ông khác “túa kha” (đại ca) cho lại nhân viên toà bố. Nhà ông ở làng Mỹ An Hưng, nôm na gọi Đất Sét ông là người Minh Hương nhưng nói tiếng Việt rất sành, họ Thái, cao lớn dềnh dàng, đầu hớt tóc ngắn chải dựng đứng kiểu bàn chải tắm ngựa, làm cho vóc người thấy thêm cao. Luôn luôn có một nụ cười trên môi. Khi nào xuống chợ Sa Đéc, ông ngồi xe Hotchkiss mui trần, xe lên cầu sắt ván dội rầm rầm tiếng kèn xe quen làm cho anh em cửu cá trong toà bố mừng như trúng số nhỏ.

Tánh ông khí khái càng cường ưa tế khốn phò nguy, điều tôi phục nhứt là ông giúp ai ít cho người ấy biết. Tánh ông lại rất ngọt, em út ăn sương mến ông và hằng đeo theo ông, đứa nào cũng giành gọi “Ba, ba” ngọt xớt. Ông vuốt đầu mỗi đứa, miễn cười với ông là có tiền lì xì, nếu ông vuốt má thì lì xì càng hậu, nếu ông vỗ, khều hay đập tay nhẹ nhẹ vào chỗ bàn toạ tròn tròn của đứa nào thì miệng ông vừa cười vừa xin lỗi vừa móc bóp lấy ra một tờ giấy con công (năm đồng bạc thuở đó) dán vào mỗi và cấm không cho cám ơn một tiếng nào.

Tỉnh Sa Đéc tuy chu vỉ nhỏ bé hơn các tỉnh khác của miền Nam nhưng đặc sắc xinh tươi rất xứng với mỹ danh người Pháp buổi trước đã tặng “le jardin de la Cochinchine” (vườn cây ăn trái của đất Nam kỳ). Ngày nay vị trí quân sự và hành chánh đã biến Sa Đéc trở nên một quận lỵ phụ thuộc hay sáp nhập với tỉnh Vĩnh Long, hay là đã phục hồi nguyên vị như trước, việc nầy cũng như việc tỉnh Bạc Liêu ra sao tôi xin miễn nghị nơi đây vì tôi đã về hưu và không theo dõi được. Bài nầy tôi chỉ muốn xoay về nếp sống dân ta và nếp phong lưu lối xưa của miền Nam mấy chục năm về trước.

Với một xứ vén khéo bao bọc bởi con sông Tiền Giang nơi hướng đông và sông Hậu Giang nơi hướng tây, bây giờ bị xén bất quận Cao Lãnh cũ để biến thành tỉnh mới Mộc Hoá, thì chu vi Sa Đéc càng được thu gọn làm một vùng ròng rặc máu Việt và dân cư càng ít lai máu Tàu máu Miên hơn các tỉnh Hậu Giang khác.

Lối năm 1927-1935, Sa Đéc nức tiếng là một tỉnh cứng cỏi dám ăn dám nói dạn dĩ nhứt ở Nam kỳ. Nhơn vật đời đó trong tỉnh gồm những người độc đáo, sức học Pháp văn rất cao, tỉ dụ ông Đốc Tràng, ông Đốc phủ Lê Quang Hiền, nho học có ông Cử Võ Hoành, ông Đặng Thúc Liêng, khí khái xã giao rộng có bác sĩ Phạm Văn Ngời, ăn chơi tài tử thì có hội đồng Hồ Quang Cảnh, và ông nghị viên Thái cố nhân mà tôi mến tiếc nhắc lại bằng bài nầy. Tôi miễn kể những nhân vật khác như ông Huỳnh Thuận sanh ra cậu Huỳnh Thuỷ Lê, như Nguyễn Văn Thắng làm xã trưởng được phong huyện hàm, dám ăn chơi và vì có một bốp phơi lớn hơn của bất cứ ai nên chúng tôi tặng riêng là ông huyện “Nóp”, cũng người xứ Đất Sét. Đặc biệt là các nhà nầy đều nấu ăn khéo léo; mỗi nhà ngon hay mỗi cách. Như muốn thưởng thức món heo con đút lò thì chỉ cụ bị nước đá rồi ghé lò gạch hội đồng Cảnh ở mé sông cái, đường lộ Sa Đéc xuống bến đò Mỹ Thuận. Tính coi heo cúi thuở ấy giá con rẻ hơn con gà con vịt đời nay. Một con heo sữa (cochon de lait), nhắc đến bất thèm chảy nước miếng, một con vừa sức ăn của ba bốn người mạnh ăn mà giá chưa đến ba đồng bạc (3$00) đời ấy, con nào ngon lành và đã trông giá bốn đồng ngoài là cùng. Cũng thời ấy, một đĩa lớn tại nhà hàng danh tiếng Sài Gòn là nhà Yeng Yeng, một miếng thịt heo con bằng ba ngón tay dọn với rau cách xon (cresson) và quay theo điệu ma ni, Phi Luật Tân gọi là “la Manille”, ngon hết cỡ mà giá chỉ có bốn cắc bạc (0$40)! Nhưng ông hội đồng Cảnh Sa Đéc còn có cách cho mình ăn một món heo quay còn ngon hơn nữa. Số là mỗi lần hầm ruột lò gạch, khi đến kỳ dứt chụm lửa vì gạch đã chín gần lấy ra khỏi lò được, khi ấy ông ngồi xe nhà Hotchkiss chạy lại toà bố rủ anh em cửu cá bọn tôi đến tận lò gạch thưởng thức món heo quay đặc biệt nầy. Môi lần như vậy tôi biết chắc sẽ cúng lót đường, sẽ thua thín cẩu ít nữa là đôi ba chục bạc nhưng tôi không bao giờ tiếc tiền để phải nhịn một thú ăn chơi không còn nữa. Tuỳ theo số quan khách, ông sẽ sai gia đinh làm heo sữa đúc lò (xin nhớ đây là lò gạch). Trước tiên ông bày tiệc rượu khai vị, luôn luôn sang trọng và đúng mốt thuở ấy là rượu cognac Martell pha với nước có hơi bọt hiệu Perrier, ly thật đúng độ một công-xio-ma-xiông (consommation), cục nước đá cho thật trong và thật lớn lâu tan, nên nhớ lúc ấy máy lạnh frigidaire chưa có nhiều và cũng chưa có điện để mà xài cho đủ. Mỗi bàn có bốn thực khách thì ông phòng hờ nguyên một con heo sữa, heo cạo gọt sạch lông rồi, mổ bụng lấy đồ lòng để riêng khuya nấu cháo, sắp heo lên đĩa bàn hột xoài (hình bầu dục) đặt lên mâm cây kiểu Tàu hình chữ Nhựt, xong rồi sai trẻ lập thế thần dùng ván để mâm heo lên, cho mâm chun tót vào giữa lò gạch còn nóng rồi để ván và mâm lại đó, xong xuôi rồi bít cửa lò lại thật kín, để như vậy day qua trò tiêu khiển khác. Trong khi hơi nóng còn lại của lò chờ lấy gạch ra, “luyện” mấy con heo sữa, biến lớp da non thành món ăn giòn khứu, và biến các giò cẳng móng thành những món nhăm nhi giòn rum và biến thịt heo tơ thành thức ăn ngọt lịm thơm phưng phức thơm mùi ngũ vị hương pha với mùi tàu hủ đỏ và chao đỏ của các chú Ba Tàu sành đời. Tôm đã tươi đang nhảy soi sói, con nào con nấy xách nặng tay, gạch đầy đầu, cắn vào miệng béo vô song, thêm được gió đồng thổi lai rai, lại nữa giá rẻ ôi là rẻ, ngày nay nhắc lại y như là nói dóc.

Thái cố nhân mời ăn tôm trên ruộng nổi nước thì phải biết: Bữa lên Đất Sét chúng tôi đi hai xe: chất chồng gần hai chục lạng, toàn là bợm “phá của” tức bọn mạnh ăn, giỏi tài nuốt sạch đĩa mà không biết nhậu, rất thú nghịch với bợm ve chai “ăn thì ít mà nốc như hũ chìm”, mải ham nói mà quên đĩa và tô đã bị bọn kia vét ráo. Như đã nói, vì chưa ăn bò giá tréo, nên Thái huynh không đưa chúng tôi về nhà, và dành buổi viếng Thái gia trang vào một dịp khác.

Hôm ấy, Thái viên ngoại cho kết ba bè ghe tam bản, cứ hai chiếc kết làm một bè, trên có thả ván dày rút trong lẫm lúa hay dùng làm mặt bè thật bằng phẳng ước sức khiêu vũ trên ấy còn được ba đoàn ghe đậu làm ba điểm hình tam giác, đoàn thứ nhứt có trải chiếu dành cho các tài tử hoà nhạc và ca các bài cải lương trữ tình, thật du dương; đoàn thứ nhì gần đoàn trước trên mặt ván gỗ có để hai bàn vuông có đèn khí đá treo sáng rực và đây là đại bản doanh của tám tay thiên cửu mặc tình “tung thiên” hay “tiêu con sám cấy”.

Một đoàn thứ ba đóng đô một nơi khuất tịch tuy vẫn tham gia cuộc chơi nhau đây là tiểu địa ngục dành cho khách muốn “bắt cặp” tách rời ra bằng xuồng để thám hiểm Thiên thai, vì trên hai xe chúng tôi vẫn có nữ tiên Chợ Cồn tháp tùng, và đoàn tam bản thứ ba nầy chúng tôi đặt là nơi dành làm thi phú và chỗ đi tìm vần khó. Ngoài xa và chung quanh ba đoàn nầy, dăng dăng theo bờ mẫu ruộng, thấy làm đốm những sao, xem kỹ lại đó là đoàn thuyền con của điền phu biến làm ngư phủ, đua nhau câu tôm để hiến cho chúng tôi thường thức. Thuyền nào câu được khá nhiều thì đánh một hồi chuông “thùng thiếc” ra hiệu. Chúng thuỷ thủ của ba bè tam bản đoàn nào lẹ tay thì chống ghe bè lại đó lấy tôm về, đoàn nào chậm lụt thì rán chờ dịp khác. Trên mỗi thuyền kết bè đều có sắp đặt sẵn, nào lò lửa để nướng tôm, nào rau sống cả mấy rổ lớn, nào bánh tráng, bánh đa cả mấy chồng, có thứ để khô có thứ nhúng nước sẵn để quan khách dùng tuỳ sở thích. Về nước chấm có đủ mấy thứ: thứ nước mắm nhỉ Phú Quốc gọi nước mắm hòn, thứ tương Tàu, thứ tương ta, cái thứ tương đặc biệt chuyên môn của nhà anh Tám Hoài trình bày ra đây, làm bằng tương Tàu pha chế với cháo nấu bằng khoai môn để dành chấm chạo tôm và nem nướng, có thứ thật cay và thứ không giằm ớt, cho tới ngày nay tôi chưa gặp một bữa tiệc vui và chu đáo đến bực nầy. Mặc khách mặc chủ đua nhau giành giựt tôm còn nhảy soi sói rồi tự mình nướng lấy mà ăn, người nào xấu chứng đói thì tự chống thuyền đi tranh đấu tôm tươi của những xuồng vừa câu được, kẻ nào làm mặt quân tử đợi chúng dâng tới miệng thì hãy chịu khó ngồi cười gượng nuốt nước bọt ngó người khác ăn, nhưng đói quá họ cũng làm càn, thét rồi cũng ra tay giành giựt như ai mới đủ no, quên mình ban nãy còn là dân chi phụ mẫu mà nay trong cảnh đồng vắng đêm thanh đã lộ nguyên hình là Trư Bát Giới trong Tây Du đang đùa giỡn, xa bà xã, với mấy con nhện quê ở Chợ Cồn và ở ngã ba đường Vĩnh Long nơi quán mồ côi Ba Chỉ! Thiệt là một bữa cơm tập thể bình dân răn đời: “Làm cách sạch ruột làm chuột no lòng!”.
Tôi đã nói ngày nay tôi còn mến Sa Đéc vì chẳng biết sao từ ấy đến nay tôi ăn tôm nướng đã nhiều nơi nhưng chưa gặp nơi na 0 chế nước mẫm chấm ngon như ở Sa Đéc.
Tôi đã nói tôi còn nhớ mãi tỉnh nhỏ Sa Đéc thân yêu, vì tôi có cảm tình nhiều với xứ nầy là nơi tôi đầu quân sau khi làm sáu năm nơi Trường Máy Sài Gòn, và một lẽ là vì tánh tham ăn thức ngon mà Sa Đéc có nhiều:

a) Món lạ miệng là nem nướng chay làm bằng chuối chát thể cho thịt heo nhưng khi tương chấm thật ngon thì món nem nương chay nầy có thua gì nem nướng Huế. Tôi từng nếm nón nầy tai nhà thầy cai cố đại nhơn Lê Văn Kinh cựu cai tổng (Cả bè cạn) An Thạnh hạ, và mỗi lần nhớ gia quyến nầy là nhớ các bạn cũ: Lê Văn Chiếu, Trương Tấn Ngân,
 

b) Món ăn dễ làm, chỉ cần có tép thật tươi thì đủ ngon là gỏi cuốn bánh tráng, nhưng gỏi cuốn nhà anh Hồ Vằn Thông, ngoài gọi anh Năm Chuột, làm xếp quản đốc phu lực lộ Trường liền nên cũng gọi đốc công Chuột, gỏi cuốn nầy thì tuyệt. Anh Năm cố nhân là người tốt, tánh tình vui vẻ, miệng ăn trầu tít toét khi nói tiếu lâm phun nước miếng phèo phèo; nhà anh Năm ở ngay sân chợ Tân Quy Đông, ba căn trệt là nơi lụ hội ngày đêm của bọn nầy, khi thín cẩu khi nhậu nhẹt. Anh Năm cố nhân cho tôi mượn tiền, giúp đỡ ngặt nhưng tôi nhớ như chén cơm Phiếu mẫu,

c) Món ăn đặc biệt làm bằng tôm quết thành chạo bó mía nướng và một món gỏi tôm gọi tôm bóp thấu, thì tôi dám chắc, không đâu ngon bằng nhà anh Hồ Văn Hoài, nay còn mạnh khỏe nhưng đã già lắm, trên tám mươi, ngoài gọi Phán Hoài, Tám Hoài thuộc vọng tộc họ Hồ ở Sa Đéc cố cựu.

Con bê tơ được thui vàng lườm và hiện đang được lăn tròn trên một ống trục sắt quây vòng vòng trên lửa than cháy riu riu, hai đầu cây trục đặt trên bốn cây tre đòn đặt giá tréo hai cây mỗi đầu, nên gọi “bò giá treo”. Chất mỡ béo của con bê rơi xèo xèo xuống than hồng làm chúng tôi tỉnh hồn lại. Mùi ngũ vị hương và mỡ khoét phất vào mũi từng luồng gió làm cho quan khách tỉnh minh thêm, ai sao mình vậy, tuy bước không mấy vững, nhưng thấy con bò thui đang nóng, kế bên có để sẵn dao thớt, thì làm thế nào, cũng phải lết cho tới đó làm một mách cho được mới nghe? Ai thích ăn sống cho thêm bổ, sống vừa vừa hay ăn thật chín thì tuỳ ý cứ lựa chỗ nào mình thích, lấy dao thẻo cắt thịt tại chỗ. Nhưng chưa ăn được. Khổ một điều là nước mắm chấm lại để nơi góc xa đằng kia, ai gấp muốn ngốn thịt lạt lẽo thì cứ việc; bằng muốn ăn mặn mòi thú vị thì lại phải cất bước đi theo đường do viên ngoại qua cầu khập khiễng và rán đi tới chỗ có nước mắm nêm tỏi ớt hay nước mắm hòn có cà cuống chanh thơm, hoặc nước xì dầu, muối tiêu, maggi đủ thứ. Chúng tôi khách dự tiệc, kẻ mặc âu phục, kẻ vận quốc phục, mấy ông quản và cai đội lon ton toà bố thì mặc quân phục ka ki vàng, đều được dặn trước phải giữ làm sao đi cho ngay ngắn, nhứt là giữ đừng té xuống nước, rủi sa chân lọt xuống mương cau, không được bỏ cuộc và phải leo lên lộ đi trở lại trên con cầu thử thách nầy, người nào bỏ cuộc sẽ được tặng là đàn bà mặc yếm, còn thua các cô đứng gác đầu cầu, và mặc ý đã thua cuộc thì hãy làm Tư Mã Ý, nhục nhã lại ngồi chờ nơi chòi bố. Nhưng đại phàm đã có rượu làm nữ, thì có ai mà chẳng lên mặt anh hùng? Ông Lai Vung mở đường dẫn đạo, theo sát chân viên ngoại là hướng lộ viên. Viên ngoại tửu lượng có thừa, lại nữa biểu diễn tại sân nhà, nên mấy đời lầm kế của ông đã sắp đặt.

Ông Lai Vung khoan thai bước đến cây cầu thứ nhất thấy có bản nhỏ đề một chữ “Đông”. Kế bên cầu một cô trẻ nhứt trong hàng bái tiên, đầu để tóc ngắn như sinh viên mới ra trường, nhoẻn miệng cười duyên và lấy kẹp sắt gắp khăn nóng hấp trong nước hoa thơm cung kính dâng lên trước mặt. Ô! Hay quá! Mặt đang hừng vì rượu, có sẵn khăn nóng rút hơi men ra bớt thì có gì sướng bằng! Ông Lai Vung miệng nở nụ cười tươi lại như buổi thanh xuân, chỉ tiếc bị mấy cái răng bịt vàng làm giảm bớt cái nho phong đạo cột. Ông với lấy khăn lau mặt lau tay rồi bệ vệ trả khăn lại cho gái, chậm rãi bước qua cầu trót lọt. Qua tới đầu câu bên kia hiện ra một nàng tiên đẹp không thua nàng trước, tay cầm trống nhỏ gióng lên ba tiếng thanh thanh, báo tin cho hai vị tiên nơi cầu kế đó dự bị đón tiếp những chàng Lưu Nguyễn. Cầu nầy thấy đề chữ “Bắc”, tức đi vòng tròn từ đông sang bắc. Một nàng hoa khôi duyên dáng chực sẵn trao cho khách một ly nhỏ Cognac séc thưởng công đi ngay ngắn, hé miệng cười duyên mời quân tử cạn bôi. Không uống sợ mất lòng, rán uống mà thuyền tình đã chở đầy rượu mạnh. Khách uống rồi tiên bên kia thâu ly lại trả về bên nầy như cũ: miệng chúc câu “Quý nhơn thượng lộ bình an”. Thấy cách tiếp đãi thanh nhã như thế chúng tôi đi đàng sau càng nôn trong bụng, trông mau đến phiên mình khều một cái, thưởng thức chung rượu cô gái đẹp dâng đến tận môi. Ông Lai Vung bước đến đầu cầu thứ ba chữ “tây” để trước mặt. Nơi đây có một cô tuổi độ đôi mươi, cổ tay tròn nhượng chỉ, với lựa trên bàn một miếng bánh tráng, một mớ rau thơm, lễ phép dâng trước mặt, liếc mắt đưa tình như mời mọc: “Xin quan hãy đi lại gần con bê! Xin quan tự lựa lấy miếng nào quan thích, cắt lấy và tự mình thưởng thức, chúc quan ngon miệng!”. Nhưng ăn thưởng sao được vì chưa có nước mắm chầm kia mà! Ông Lai Vung sấn bước đến ải chót là cầu hướng “Nam” nơi trấn thủ của cô Mười Cự, nữ tiên chúa đông. Cự tiên cô vì cầm đầu nên giữ phần chủ chốt, quốc tuý là nước mắm, không có để chấm thì miếng thịt lạt lẽo nuốt sao vô? Nhưng khỏi lo, ở đây như đã nói, có đủ thứ nước chấm từ mắm nêm thơm ngọt đến nước mắm hòn đặc biệt. Rồi trở lại Đông kiều số một, có nước hoa rửa tay, có khăn thơm lau miệng, rồi qua Bắc kiều lấy rượu, qua tây kiều nhận thịt, qua Nam kiều chấm vào nước mắm, thưởng diệc món thịt bò giá tréo! Như con rắn cấn đuôi, khách và chủ đánh trận đàng xà được ba vòng vô sự, người nào người nấy đều hân hoan, cao hứng đến tột độ, cười nói như bấp rang, cả thảy đều khen ông viên ngoại có một sáng kiến mới mẻ, và đãi ăn cách nầy, dẫu có té xuống nước dẫu bị tiên cô lấy nhánh huệ thưởng đòn cũng sướng! Vừa nghĩ thầm đến đó, bỗng nghe một tiếng bõm, day lại xem, té ra đội hầu cận ông Chánh tên gọi Quản Tiên, đã thạo xái (khởi đầu), trượt chân xuống ao sen. Cả đoàn đều dừng lại cười rộ, chờ bác quản leo lên, thối bộ lại đầu cầu, cô gái, quên tiên cô nhỏ, quỳ xuống lấy khăn sạch lau giày, vuốt y phục lại ngay ngắn, ông quản không lộ vẻ giận, bước lên cầu đi thẳng qua bên kia, một cô khác giả bộ trách yêu, lấy nhánh huệ tươi gạt nhục bàn toạ ông như tuồng tiên quở sơ người vụng về. Cả bọn đều cười lăn chiêng, ông cũng cười theo, vui vẻ cả đám. Nhưng qua khỏi cầu rồi, ông quản không được thưởng ba tiếng trống chúc “thượng lộ bình an”, lại nghe ba tiếng gõ tang (gõ vào thành trống) quả nhiên báo tin có người bị phạt y như tửu lịnh sẵn có. Trong lúc ấy chủ và khách đều hừng chí hăng say vì rượu không khác con gà đá độ, mê trận đá quên thôi. Nhưng đến đấy ông viên ngoại là người giàu kinh nghiệm, không kéo nhây cuộc vui và để tránh tiếng lần khân sàm sỡ. Ông mời quan khách bước vào nhập tiệc nơi nhà mát. Con bê thui được triệt xuống, xẻo thái ra nhiều đĩa lớn và dọn chung lên bàn với món cháo lòng bò đặc biệt ăn với gừng cay, lòng non lá lách, khăn bàn xương sụn gân giòn. Tiệc kéo dài với những sòng thín cẩu và xì phè đến gà gáy sáng chưa thôi.

Khách ra về còn tiếc, quên hết chuyện ông quản bị đòn, nhưng về nhà rồi ai nấy đều giấu nhẹm việc cùng tiên sống phó hội, duy vẫn, khi gặp nhau khen mãi buổi cháo giải lao và con bò giá tréo Thái Viêm Lợi có tiên chuốc rượu.
Tái bút - Mãi về sau, gặp lại Thái cố nhân, ông nói hôm ấy, chúng tôi là cá chốt lòng tong, nếu có té xuống nước không xấu, vì là ngư thuỷ tương phùng! Ông chỉ mong bực dân chi phụ mẫu, hạng cầm cân nẩy mực rơi xuống mới là khoái. Tuy vậy dằn mặt chơi một chút cũng đủ, không nên chọc họ giận mích lòng. Ông nói trong Nam, không thiếu gì thú ăn chơi kỳ thú, như miệt Sốc Trăng, Hoà Tú, cá lóc nướng trụi, bó đất sét nguyên con luôn và vảy, chim se sẻ, chàng nghịch, ốc cau, để nguyên và lông, lấy đất sét bó lại, thảy vô đống rơm đang cháy để canh lúa ban đêm, khi rơm lụn tàn, lấy ra đập vỏ đất, lấy thịt kẹp bánh tráng chấm nước mắm ăn ngọt xớt không gì thú và ngon bằng.
Cũng như thịt bò, thịt trâu, khi ngã ăn không hết, để nguyên đùi vùi vào đất bùn sạch, chỗ có nước chảy mạnh, tỉ như mé sông Cái, dẫu để mấy ngày thịt vẫn tươi, khi lấy ra ăn vẫn mềm và ngon không thua khịt ướp trong tủ lạnh.

Ở miệt Bình Dương (Thủ Dầu Một cũ), nơi vườn măng cụt, sầu riêng, còn một thú lạ là treo thịt bò nguyên đùi hay nguyên xúc thịt phi lê lớn lên cây có kiến vàng nhiều, kiến nầy đánh hơi thịt ráp lại bu đeo, trong chốc lát kiến vàng chích nọc có chất acidc formique vào thịt, đừng thấy vậy mà gớm, độ nửa tiếng đồng hồ cục thịt trở nên mềm và đã chín tái, cứ để vậy, thẻo từ miếng nhỏ ăn với rau sống bánh tráng mắm nêm, đã thơm ngọt thiên nhiên lại không có mùi mỡ dầu lâu tiêu như cục bít tết xe nhăn (bifteck saignanl) hay thịt chiên Chateaubriand, vừa cầu kỳ, vừa khó chiên cho đúng, khéo và ngon.
Nhơn vật Sa Đéc phần đông đều nhã và thảo ăn. Thái cố nhân là một. Khi tôi xin về làm việc tại tỉnh nhà, ở Sốc Trăng, tuy được gần cha mẹ, vui bề thân tỉnh mộ khan, nhưng lòng hằng gởi về tỉnh nhỏ thân yêu Sa Đéc.

Khi tôi đổi về Sài Gòn lối năm 1938-1943, tôi có gặp lại Thái cố nhân lên trị bịnh nước tiểu có đường. Chứng nầy lúc đó vô phương trị. Tôi khóc ngày nay vẫn khóc, tiếc người anh cả phong lưu hiếm có.

 


10


Một Công Chức Đời Tây


Mỗi thế hệ đều sanh ra lớp người của thế hệ ấy, xấu có tốt có không nên quơ đũa cá nắm. Công chức đời Tây, không phái là hoàn toàn hư tệ, lại tôi là người chi mà dám phê bình người đồng một thế hệ với tôi?
Duy kể về bức bối, tôi thấy ông nầy có lẽ làm điển hình được.

Ông là người duy nhứt ở toà bố Sa Đéc nói trọ trẹ khó nghe, người ta thấy ông hút thuốc lào nặng, nên nói ông ở Huế vào đây, nhưng tôi không rõ cho lắm, duy biết trước kia ông có đi lính cho Pháp, có sang Pháp làm thông dịch viên cho đạo binh lính thợ không chuyên môn, Pháp gọi ouvriers non spécialisés, viết tắt O N.S, là vì lính nầy đội cát-két giống mồng chim chào mào, nên được tặng là lính chào mào nổi danh là vô kỷ luật, giỏi tài ăn quịt nói phét, mỗi mỗi bắt chước lính Tây: giựt tiền của gái làng chơi, mà không có cái gì xấu mà họ chừa, vì ỷ mình có sự ủng hộ ngầm của quan thầy Tây mà họ là tôi trung thành từng giúp một tay làm việc nặng nề như khiêng vác trong trận giặc đệ nhứt thế chiến bên Âu châu (1914-1918), khi đám giặc nầy tàn, họ vỗ ngực xưng đã từng chống giặc Đức giúp Pháp giữ an bờ cõi.

Để thưởng công, ông nầy được cho nhập ngạch thơ ký soái phủ Nam Kỳ (secrétaires du gouvernement de la Cochinchine) và bổ nhiệm ông về toà bố Sa Đéc, lối năm 1932. Ông người cao ốm, trạc tứ tuần, có vợ là người rừng Nam, bà nấy nhan sắc tầm thường nhưng có vốn liếng khá, chuyên nghề cho vay đặt nợ, khi đến Sa Đéc vợ chồng mướn phố ông thầy thuỷ Ngỡi, nơi đường Vĩnh Phước, gần chợ Tân Phú Đông.
Ông ưa hoang hoác khoe từng nếm cơm đủ ba xứ Nam Trung Bắc, gặm bánh mì sơn đá, và có công trả thù mẫu quốc ngủ với đầm, làm cha Tây! Mấy bữa tiệc đám rượu vào, ông khoe gái đầm không khó, có tiền cho là được, chúng cả gan mạo hiểm, mấy ngày lính nghỉ lễ, chúng đi xe đạp ôm chăn nệm ra hành nghề rước khách đủ màu da, bụi cây xó hóc nhà sụp đổ gì cũng trối kệ miễn thù lao sòng phẳng, một bao thuốc lá hay một khúc bánh mì nguội cũng xong! Và có lệ, hằng đôi ba tháng để giữ vệ sinh cho quân lính, thầy đội Tây đưa tính lừng ê kíp vài chục đứa, cho phép đi thám hiểm gái bọt đền (bordel), nơi đây tồi tàn lắm, xem người như súc vật hay như cái máy, bất ngồi xếp hàng hai ngoài cửa, tới phiên có súp lê (sifflet) là kéo vào, nhảy lên bàn có gái nằm chờ, một tiếng súp lê khác là nhảy xuống, như chưa xổ nục kịp và nếu sẵn tiền, thì ra ngoài lo lót mua phiên của thằng túng tiền để vào nhảy kỳ nhì, nhưng việc ti tiện ấy ông cũng đã trải và kể ra không ngượng miệng.

Ngày thường ông ít giao thiệp với anh em trong sở, nên chúng tôi cũng ít biết hành tung của ông ta. Thân chủ của ông là các tay bắt mồi, mấy hương chức xấu nết, chuyên đục khoét giữa đám dân trôi nổi cần có một bài thuế thân hợp lệ để khỏi bị lính tráng làm khó, số tiền lo lót họ không kể là hối lộ và xem là tiền mua bổn mạng như tiền cúng tà ma quỷ sứ.

Đổi về Sa Đéc được năm sáu tháng, một buổi chiều ông ta mới tôi về nhà lấy cớ bà phán vốn người đồng hương quê ở Sốc Trăng như tôi. Tôi vị bụng theo ông về nhà, trà nước tử tế, bà phán ra nói năm ba câu chuyện bâng quơ, việc nhìn bà con xem như bất thành, tôi từ giã ra về. Dè đâu cách ba tháng sau, một bữa đầu tháng tôi đang ngồi gần kết bạc phát lương cho các giáo chức tụ hội rất đông, bỗng thấy bà phán tay xách dù, xâm xâm bước vào phòng bút toán, không chào không hỏi, nói xán xả: “Thầy hỏi tiền tôi mà đã hai tháng không trả xu nào. Bữa nay nếu thầy không trải tôi sẽ đi thưa ông chánh!”.
Trời đất ôi! Tôi mượn tiền hồi nào? Tôi chưa biết ất giáp gì, bỗng ông phán Q., từ văn phòng phó tham biện chạy ra, lôi tay bà phán ra ngoài, nói gì với nhau nho nhỏ, bà ta ra về. Ông trở vô năn nỉ tôi rằng “việc không có gì quan trọng, xin tôi bỏ qua cho. Việc gia đạo của ông, để cho ông xử!”.

Trong lúc tức giận vì mất mặt tôi lớn tiếng phân bua, nhưng ông chịu tội hết, phần tôi mấy lo phát lương nên cũng tạm gác chuyện đó qua một bên. Sau rõ lại, bữa đưa tôi về nhà là ông lập kế dối vợ rằng tôi là người đi hỏi bạc góp, cần vay hai trăm sẽ trả làm mười tháng mỗi tháng hai mươi bốn đồng, chỗ nầy chắc ăn vì thầy làm thơ ký phát lương, có chạy đi đâu mà sợ, mà thầy là người hay mắc cỡ, nên không nói; như mình có tiền hãy đưa tôi trao lại cho thầy, rỗi mỗi tháng tôi chịu khó nhận tiền nơi thầy đem về cho mình, trong mười tháng là thu đủ vốn và lời răn rắt hai trăm bốn chục đồng, sướng quá?

Bà phán nghe bùi tai lòi tiền, ông phán ta đem đổ sông đổ biển đâu không biết, tháng đầu ông trao bà hai mươi bốn đồng y hẹn, qua hai tháng sau không thấy nữa nên bà xách dù đi tìm tôi là vì vậy. Mánh lới ấy không biết ngày nay các cán bộ tân thời có biết dùng chăng, chớ trước đây công chức đời Pháp thuộc thỉnh thoảng vẫn mượn để qua cơn túng ngặt, bất chấp đã phạm hai lỗi nặng; gạt vợ để có tiền, gạt bạn và bán đứng bạn, không kể gì chữ tín.

Chuyện ông mượn tôi kê nề để có tiền xài rồi cũng bỏ qua. Duy cái cách ông bắt vợ lớn cưới vợ bé cho Ông mới là xuất quỷ nhập thần:
Ông có quen với một cô nhỏ học trò lớp nhứt trường tỉnh, hai người đã khăng khít nhau lắm. Ông muốn đem về cho thêm gần gũi và đỡ tốn, nhưng còn sợ oai bà xã. Một hôm chúa nhựt, ăn cơm rồi ông ngồi ghế xích đu đọc nhựt trình, bà ngồi ván ngựa dang soạn áo quần để vá. Bỗng ông nói tỉnh bơ: “Ở Chợ Cồn mới có một ông thầy bói ở đâu lại, thiên hạ đua nhau tranh tới nhờ ông coi quẻ, tiếng nổi như cồn. Như mình muốn biết tài, tôi đưa mình đi xem, nhưng riêng tôi, tôi cho mình biết trước là tôi không bao giờ tin lời thầy bói”.

Bà phán nghe nửa úp nửa mở, sẵn tánh mê tín, giục ông đưa bà đến nhà. Mấy người chờ xem đều nhường cho hai ông bà coi trước.
Lão ta nói cái gì đều trúng cái nấy, nhà bà có gì kín ông đều biết, vách nứt trong buồng, cột nhà bếp có mấy cái mắt gỗ, ông nói trúng phong phục, bà phục lăn, không biết đó là do một sự cò máy, đức phu quân đã mách trước lão bốc sư. Hết việc bói rồi day qua việc coi chỉ tay. Ông phán đòi về, vì hiện còn nhiều người chờ tới phiên, nhưng bà đã mê trận và xin nán lại coi giùm chỉ tay và gia đạo. Bốc sư chụp tay ông coi trước, khen ông có ngươi vợ nhu thuận và riêng ông có số đào hoa nhưng sự nghiệp của ông đều do bà xây dựng, tuy vậy không có ông thì sự nghiệp ấy cũng khó cầm vì ông có tay giữ của? Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn, nhưng dầu ông làm phật ý bà phải rán nhịn nhục thì tai qua nạn khỏi không sao. Xem cho ông xong rồi day qua xem cho bà.

Bốc sư khen bà tướng tốt phúc đức song toàn, bỗng ông chắt lưỡi nói chỉ tiếc lằn sanh đạo của bà đức đoạn, thêm lằn hào phu thê của ông cũng đứt, hai chỗ nầy phù hợp, năm nay tháng bảy là hung nhiều kiết ít, e bà qua không khỏi. Và tháng nầy là tháng năm, bà khá đề phòng. Nói đến đó rồi bốc sư xếp tay bà lại chắt lưỡi than dài. Bà nghe sợ hỏi phăng bốc sư có cách nào giải nguy.
Bốc sư bàn hay là số bà như vậy, nên dùng cách thế tử, cho ông phán cưới vợ bé, lựa tuổi mười bảy tuổi thân ở hướng đông nam, con ấy vô tới tháng đó sẽ chết thay cho bà và bà sẽ bình yên vô sự vui hưởng đến già.

Bà day qua dò ý kiến chồng, nhưng ông phán giấy nẩy, rầy sơ bốc sư rằng không biết ý bà phán hay ghen, ép ông có vợ bé chi cho khỏi hư hại gia cáng, một vợ ông cân chịu không nổi, bày chi vợ bé vợ mọn, sống chết có mạng, hơi đâu lo xa, bói ra ma quét nhà ra rác?
Ra về bà phải năn nỉ ông suốt mấy hôm, thúc giục ông lắm ông mới siêu lòng sau khi đưa điều kiện bất buộc bà không được ghen và ông để mặc bà trầu cau cậy mai mối cưới con nhỏ tuổi thân mà ông đã quen từ trước, hết tháng bảy qua tháng tám, rồi tết đến, rồi sang xuân, con nhỏ có bụng., không thấy ai chết cả, bà kêu trời mà không dám kêu lớn, lúc ấy tôi đã đổi về Sốc Trăng, nơi quê cha mẹ, mục kích một ông phán khác cũng đi Tây về, chắp nối với bà quan năm Tây mà ông từng làm thông ngôn nhà ông có treo một cây roi mây, mỗi lần bà đánh, ông vẫn la “chết mấy chưa” và lỗi xóm đều khen ông phán H, rất dữ dám đánh bà trị bà, mỗi khi bà có lỗi.
Công chức lớp xưa không phải đều như hai ông nầy nhưng điển hình tôi biết hai ông đó.

 

 

11


Năm 1930


 Nhớ ông Cai tổng Lê Đình Quảng - Mò ốc gạo sông Tiền Giang và bữa rượu cô-nhắc Robin tại nhà ông Cai Quảng.

Với chức công táp toà bố, tôi coi về phát lương bổng cho công chức trong tỉnh, nếu tôi có tiền sẵn, nghề nầy cho vay đặt nợ là tuyệt vì mỗi đầu tháng chân lương khi phát, không ai khất hay giựt của mình được xu nào. Nhưng lúc ấy có bao nhiêu tiền tôi mua đồ cổ hết, và tuy tôi không ưa giữ bạc sợ thất thoát, sợ bị ám ảnh lấy tiền tủ là có ngày vào tù, nhưng cũng nhờ nghề nầy tôi biết nhiều về nhân vật và địa dư tỉnh Sa Đéc đáng yêu nầy. Tôi kiêm nhiệm luôn chức đi thâu thuế và đóng dấu cân lường trong tỉnh, mỗi năm mỗi thay con dấu, tỉ dụ năm 1929 con dấu khắc chữ L thì năm 1939 là chữ M, cứ thế chuyển đến hết chữ thì trở lại chữ A v.v...; sau khi đóng dấu rồi thì giao cho cò bót đi xét và phạt nhưng nhà buôn mà cân hay lít chưa có đóng dấu chịu thuế.

Trước khi thừa hành phận sự, theo luật tôi phải xuống toà án Vĩnh Long tuyên thệ vì Sa Đéc lúc đó chưa có toà, nhưng toà đã giản dị hoá cho phép tôi gởi lời thề viết, thay vì hiện diện đi hầu, và sau khi nhận giấy toà án nhìn nhận tôi trở nên chánh thức thay mặt luật đi xét cân lường và được tịch thâu nhưng lít non, cân thiếu, giúp đỡ cho người dân quê khỏi bị gian thương bóc lột lường thăng, tráo đấu, đong giạ nhỏ dùng cân non.

Kể ra mỗi khi đi như vậy, tốn công linh và mất nhiều thì giờ, công việc trong sở bị bê trễ; nhưng bù lại mấy khi được ngao du làng nầy qua làng nọ, lục lạo tìm món đồ xưa trong giờ làm việc khỏi bị quở trách?
Đường gần, như tổng Châu Thành thì gởi trát cho cai tổng chi thị các nhà buôn trong tổng nạp cân, giạ, lít tựu tại công sở sở tại cho chúng tôi đến đó kiểm xét, đóng dấu chứng nhận và thâu thuế. Mấy lúc ấy chúng tôi làm việc không hở tay vì sợ con mắt tọc mạch của cò bót dòm ngó và tâu lại chủ tỉnh. Gặp đường xa như lên Cao Lãnh hay qua Lai Vung thì phải dùng xe hơi hoặc tàu máy, khi lấy xe sở công chánh chạy cà rịch cà tang khi nào ông chánh vui lòng cho mượn xe tàu của chủ tỉnh thì đi mau về lẹ và khỏi sợ ăn banh dọc đường.

Thuế cân lường thâu vô không có là bao, mỗi lít thâu một cắc mốt (0$11) mỗi cây cân tạ cân lúa gọi cân bùn còn miễn cưỡng thâu hai đồng ngoài bạc, vị chi mỗi làng thâu độ hai chục đến hai trăm bạc thuế, nhưng có lẽ phải ép nhà buôn đóng dấu cân lường để tránh nạn cân thiếu lít non và tệ đoan làm giạ nhỏ không đủ ni tấc để gạt dân quê trong việc mua bán lúa, kỳ thật tiền thâu vô trừ ra tiền xăng nhớt và tiền vãng phản của chúng tôi, gọi tiền xúp (supplément) thì không còn lại bao nhiêu. Về cơm nước dọc đường, khi thì chúng tôi bốn người: một anh cai phu thuyền, anh đội Lê Kim Đơn trước học trường máy, tài công tàu, thầy ký Lê Văn Tốt và tôi, hùn nhau lại mua thức ăn, khi gà rô-ti khi vịt quay, xá xíu, rượu chát trà ngon, đánh chén dưới tàu trên sông cái dưới bóng mát cây bần, cây ngừa, những lúc ấy mới thấy đời công chức lớp đó có nhiều thú vị, nên nay bị chỉ trích cũng vừa, và cũng đáng. Nhưng phần nhiều, dọc đường vẫn có tay nghĩa hiệp, thầy cai tổng hay thầy bang biện đưa chúng tôi về nhà thết đãi, tôi riêng không chú trọng việc ăn nhưng có ý đi tìm đồ cổ và tìm hiểu phong tục mỗi nơi nên ít chối từ. Lúc ấy ông chánh Esquivillon vừa bị công táp ở Cần Thơ thụt két rồi tự vận, khiến ông bị vạ lây nay đổi về Sa Đéc thấy tôi có bộ ngay thẳng nên có cảm tình, ông duyệt sổ xăng nhớt thấy tốn kém quá vì đường gần mà trưa nào chúng tôi cũng đều về nhà ăn cơm nước rồi mới ra đi nữa, bởi thế muốn cho đỡ tốn và đo nhọc, ông ra chỉ thị dạy tôi khi đi xa đường cứ neo xe hay tàu lại đó chờ chiều xong việc hãy về cho đỡ tốn xăng, được lịnh ấy không khác nào ông cho phép chúng tôi cứng hư và bắt đầu cho chúng tôi lợi dụng dùng tàu đi chơi tuỳ thích lại được tiếng là biết tiết kiệm của công nho!
Năm 1930 chúng tôi dùng trọn tháng năm đi xét cân lường, mỗi ngày đi vài ba làng, như hôm 22-5-1930 chúng tôi xét làng Mỹ An Bình, đến trưa ở lại dùng cơm nhà ông xã trưởng vì ông mời mọc quá, nay quên mất tên ông để mà tưởng niệm, âu cũng là một phần sơ sót. Chiều xét cân làng Mỹ Trà cho đến năm giờ xuống tàu ra về, tới giữa sông lấy cơm nguội và mắm sống ra tự tay xé mắm và bốc cơm ăn, bất giác tự hỏi cái kiểu ăn cơm “xi đay” nầy của ông bà ta truyền lại hay hễ ăn mắm sống thì phải dùng cơm nguội mới thấy ngon và phải bốc tay mới thấy thú, và cái mốt nầy thịnh hành nhứt là ở Cao Miên, Thái Lan và Ấn Độ, tức một văn minh “ăn bốc” khác hẳn với văn minh Trung Hoa, Việt Nam và Nhựt Bản là văn minh “ăn đũa”.

Bữa sau là 23-5- 1930, tiếp tục dùng canot quan chánh cho mượn đi xét cân lường ở Mỹ Xương. Chúng tôi khởi hành thật sớm, mua theo bánh mì nóng và xá xíu mới ra lò, tàu vừa chạy chúng tôi lấy ra dùng điểm tâm, uống cà phê phin, cười giỡn dưới làn gió mát sông cái quên hết nỗi cực nhọc hằng ngày, rõ lại cái hạnh phúc thường theo bén bên mình chỉ tại mình không đủ thông minh để mà tận hưởng. Ở Mỹ Xương chợ búa lèo tèo, nên xét rất mau, có một mụ xẩm trình một cây cân và mười mấy trái cân, có một cái không đúng cân lượng, tôi đã có ý định tịch thâu, nhưng mụ nói một câu ngây thơ với cô gái xinh xinh đi theo: “Tại thằng cha mày, động chút cũng lấy “trứng dái cân” làm búa, đóng đinh cũng nó, đóng guốc cũng nó, báo hại cục chì văng mất, kiếm không ra nay ông nầy đòi xiết cái trứng dái nầy đi, về nhà tao làm sao có mà dùng?”. Tôi không nhịn cười được và không đành tịch thu “của quí” của bà, nên nhờ anh em thay cục chì, cân xét lại kỹ càng đóng dấu chứng nhận và trả trái cân lại cho mụ, xem mụ bằng lòng lắm, chỉ nhìn cặp mắt long lanh của cô gái tuỳ tùng cũng đủ biết hai mẹ con mừng rỡ đến bực nào, và cái làm phúc làm đoan không phải duy cho tiền nhiều là được. Vừa chín giờ sáng, công việc đã xong xuôi, chúng tôi xuống tàu trực chỉ ra sông cái, mười giờ chúng tôi đậu tàu lại giữa sông nơi đuôi cồn, chỉ giữ mỗi người một y phục ngắn gọn để tầm và mò ốc gạo. Đây là một cuộc vui khó tả, biết bao giờ trở lại?
Trong đời tôi đã mục kích mấy lần “cồn hoá vực, vực hoá cồn”. Tại chợ Cồn, năm 1930 còn lộ đá và cầu tàu, năm 1974 cầu tàu đã rơi xuống sông và nước đã khoét con lộ lở mất không dùng được nữa, cũng như mới đây (1974) báo chí đăng tin chợ Kế Sách trọn một dãy phố rớt tõm xuống sông không còn thấy vết tích viên gạch nào. Hôm ấy (23-5-1930) tại nơi nầy, tôi lại thấy cảnh “cồn nổi”, tức là cảnh “thương hải biến vi tang điền” như đã đọc trong sách truyện diễn tả. Năm ấy (1930) thuộc địa phận tỉnh Sa Đéc, vừa mọc thêm ngoài sông cái Tiền Giang, hai hòn cù lao nhỏ đứng ra là hai đuôi cồn có tên nhìn nhận là Cồn Cát và Cồn Chà. Mỗi lần có cù lao nổi như vậy, khi nước vừa lấp xấp lội với bụng tới rún (độ sáu bảy tấc bề sâu), đến khi nước ròng giựt uống còn lội tới nửa ống chân, có chỗ tới mắt cá (độ hai, ba tấc sâu) có chỗ khác thấy được đất lé đẻ lên mặt nước, tuy cù lao vừa nổi làm vậy thế mà đã có người đến xin khẩn nơi toà bố rồi, họ là những người có thế lực, hoặc là hội đồng quản hạt hay là tay giàu gộc trong xứ, nghe gia nhơn đi làm ruộng về hay đi thuyền đánh lưới nơi sông cái về đồn có cồn nổi, tức thì họ làm đơn vô quan chánh xin khẩn trước tiên. Cũng có khi chính những người sở tại biết chuyện, giỏi lo lót cùng làng tổng xin được giấy chứng lận đem lên trình quận và quan đầu tỉnh rằng họ là người khai thác từ nhiều năm những cuộc đất mới nầy. Khi ấy tỉnh bộ trát về quận hỏi lại cho có lệ rồi cấp phát một biên lai tạm thế vì bằng khoán để tránh sự tranh giành của kẻ khác. Sau nầy hoặc vài chục năm hoặc lâu hơn nữa cù lao nổi cao thành ruộng tốt, khi ấy sẽ có cuộc phát mãi mà chủ tạm được quyền ưu tiên mua với giá đấu cao nhứt và làm chủ vĩnh viễn. Trong khi lo chạy giấy lờ hợp lệ, thì người chủ tạm lo bồi bổ cuộc đất và giúp một tay với thợ trời bằng cách cấm ranh cho phân biệt “đất cũ đất mới” và trồng cây dừa nước cho đất phù sa có chỗ mau kết tụ thành đất bồi. Những dừa nước nầy họ mua thật rẻ của các thợ làm rừng, bọn nầy ra công đi vớt trái dừa đã mọc mộng trong rừng lá rồi đem về bán lại cho chủ đất, lúc ấy mỗi cây dừa còn nhỏ chỉ độ một xu hai xu một cây là cùng.

Với những trái dừa nước mọc được đôi ba lá ấy, người khẩn đất cù lao mua đem về cấy lưa thưa nơi đất cồn, và độ chừng vài ba năm những cây ấy đã bắt rễ trổ đọt, mọc khỏi mặt nước cao nghêu. Những chỗ đất còn trống, sau đó họ cấy thêm lác và khi lác bén rễ mọc nhiều thì họ cắt lá phơi khô dệt chiếu, tức đã có một hoa lợi nho nhỏ ăn cầm canh chờ vài chục năm sau đất có chưa đứng rồi trở nên ruộng tốt, thêm ít chục năm nữa là trồng cây ăn trái lập vườn dựng nhà trở nên khá giả giàu có được rồi. Tính ra từ cồn nổi đến thành điền, cũng phải một đời người hoặc hai ba đời chớ không chơi. Nhưng người dân lấy củi lục làm ăn, theo luật “trời sanh trời dưỡng” đâu có sợ chuyện thời gian lâu dài, chỉ biết sống vui vui niềm hy vọng có đất tự tay mình đào tạo. Tôi đã nói trong bài về “bò giá tréo”, về bến tàu Chợ Cồn bị nước ăn dưới chưn lo đứt một khúc lộ quan dài hơn ba cây số ngàn, ngày nay con lộ còn lại bị nước khoét dưới chưn trống bộng, xe cộ đều không dám qua lại trên lộ nầy vì sợ rủi ro, còn nhà cửa phố xá hai bên lộ nầy đều không còn cái nào, lớp bị sụp xuống nước, lớp tự chủ nhà dỡ dọn đi xây dựng nơi khác, Chợ Cồn nay cảnh tiêu sơ coi buồn không chỗ nói, trong khi ấy nơi đối diện cù lao ngang Chợ Cồn lại đất bồi ngày càng thêm lớn rộng và dân ta cứ theo câu tục ngữ xưa “đất bồi thì ở, đất lở thì đi”, và câu khác “lúa tới đâu bồ câu tới đó” dân ta nay qua cù lao ở ngày càng đông là vậy.

Nhắc lại ngày 23-5-1930, sau khi làm phận sự xét cân lường tại làng Mỹ Xương xong cả, khi ấy trời còn sớm quá, độ mười giờ sáng, nên chưa tính chuyện cơm nước dằn bụng gì được, vả lại ông cai sở tại có lời dặn trước, nên hôm nay đã cho người thân quyến đón chúng tôi và lên canot của tỉnh dẫn đường đưa chúng tôi chạy trở ra sông cái, đến một nơi gọi là Đuôi Cồn, nhưng đến nay khi thuật lại đây, việc lâu đời quá nên không biết rõ đây là cồn nào; người nầy phát cho mỗi người chúng tôi một cái thùng thiếc cũ và dạy cách vừa tắm sông vừa mò ốc gạo. Y phục chúng tôi cởi trụi và gởi hết lên chiếc tàu neo kề bên, vì người đâu của đó xin chớ quên chúng tôi còn số bạc trót ngàn tiền xét cân Mỹ Xương buổi sớm. Chúng tôi mỗi đứa chỉ còn một mảnh vải che thân, đều nhảy xuống sông cái lặn hụp và tắm mát ngày ấy trên dòng nước Cửu Long giang. Ngày nay ốc gạo ta mua về luộc hay ăn ngoài phố do các người mang trong rổ đi bán dạo, phần nhiều đều là loại ốc gạo nuôi trong hồ đầm, không được mập béo và không ngon bằng ốc gạo thiên nhiên sanh và lớn tại sông cái, nhứt là ở vùng Sa Đéc, Vĩnh Long nầy. Ngày xưa đó là một món ăn lạ, được dâng lên vua ngự thiện và được các quan hộ tống chở ra tận Huế dưới danh từ “cống phẩm của Nam kỳ lục tinh”. Năm tôi còn học tại trường Chasseloup tôi còn giữ được một bài thi xưa về ốc gạo, xin sao lục ra đây, nhưng không biết rõ tác giả là ai, vì bài thi nầy do anh em cho mượn tập thi lục, sao đi chép lại vần công, mà không đề rõ danh tánh người trước tác:

Bãi hạc cồn nhàn thả rạng danh,
Cháu con gò đống nhóm nên thành;
Xa cừ đồng tánh tôn như chú,
Thô mễ trùng danh cứng bẵng anh;
Tây chẳng phải thời nam phải tiết,
Xuân sang vừa nghén hạ vừa sanh;
Hàm rồng ngon ngọt bao là đáng,
Tuy cũng đồng loài khí chẳng tanh.
Khuyết Danh (trước năm 1919)


Năm nay 1930, chính mình là một tên học trò không quen lặn lội thế mà được dự một cuộc bắt ốc giữa sông cái thiện là một chuyện bất ngờ. Tôi chỉ biết vui đùa vô tư lự. Gió thổi vù vù bên tai, mình trần trụi dầm nước mà không thấy lạnh, ngày thường vẫn tắm nước nóng và động động là ho hen sổ mũi nhức đầu. Trời nắng chang chang không thấy nóng, nước xăm xắp tới rún, và cẩn thận không biết lội nên không dại gì ra sâu để chết chìm, chúng tôi chùm nhúm một chỗ, đẩy thùng thiếc tới trước, dùng chân rà rà dưới bùn, khi nào đụng vật gì lạ lạ dưới chân thì cúi xuống thò tay mò và thế nào cũng lượm lên nhưng con ốc no tròn nhưng mình mẩy dính đầy bùn vì chúng sinh sống trong chất ấy. Tuy vậy, ốc nầy không nhiễm vi trùng vì sống giữa sông sâu nước chảy, và sợ nhứt là loại ốc nuôi trong chỗ thiếu vệ sinh, ăn vào thường lây bịnh hiểm nghèo như bịnh thương hàn, trong Nam gọi bịnh ban cua lưới trắng. Theo thủ tục, ốc mồng năm tháng năm là đúng lứa, vừa mập và không có con trong bụng, tức khi ăn không nhai gặp vỏ ốc nhỏ mất ngon. Ăn sái mùa hoặc gặp ốc còn ốm hoặc gặp ốc có con, mất thú, nhứt là gặp ốc chết thì bữa cơm ấy kể như bị phạt.

Vỏ ốc gạo khi được nhiều, ngày xưa đốt lấy vôi dùng têm trầu thì là tuyệt, vừa sang và miếng trầu thêm ngon. Ngày nay tục ăn trầu đã bớt nhiều, vỏ ốc chỉ còn dùng lót đường hoặc để mục làm phân bón cho gốc kiểng. Chúng tôi hôm ấy là tay ngang thế mà mò được khá nhiều, đến trưa gom góp lại cũng được trót nửa thùng thiếc, và người gia nhân ông cai tổng cắt nghĩa là vì sở đất đuôi cồn nầy có chủ, người mò ốc lén không dám lại đây bắt nên ốc có nhiều. Chúng tôi mừng rỡ đem về nhưng ông cai tổng nào cho ăn ốc mới mò được nầy, dạy rằng ốc mới còn ngậm bùn trong miệng, phải ngâm nó một ngày một đêm trong nước sạch cho nó nhả hết chất bùn ra thì ăn mới thú vị. Nói như vậy rồi ông cai lấy ốc cũ ra luộc và bày một tiệc vĩ vèo đãi khách. Ăn uống được nửa chừng, day qua bày cuộc thi uống rượu gọi là đánh tửu. Chủ gia đứng dậy thủ lễ phân trần cùng cử toạ, yêu cầu chúng tôi là người yếu rượu nên bước qua bàn kế, tiếp tục dùng bữa và nhìn xem các tay tửu lượng cao thi nhau đánh tửu. Nói đến đây, dòm lại tiệc giữa, tôi thấy chỉ còn ngồi sáu ông hương chức có tuổi, kể luôn ông chủ nhà là bảy người. Nhưng trong nhóm chúng tôi đại diện cho toà bố, có anh Ký Tốt, vỗ ngực xưng mình biết uống rượu “cũng như ai”, và không chịu lách rời bàn giữa. Chủ gia ân cần nhắc lại một lần nữa rằng bảy người nầy là tay thiện chiến đã quen biết nhau từ lâu nên hôm nay muốn biểu diễn một trận đánh tửu chơi, và thầy ký là khách mời, tốt hơn nên chứng kiến như giám khảo hơn là nhập trận rủi sơ thất thì e “tửu luật bất vị thân”. Nhưng một hai thầy ký không chịu rời chỗ ngồi và quả quyết “các ông đi tới đâu, tôi theo tới đó!” Sau hai lần khuyên và giác đát không nghe, bảy người kia nhập tiệc với thầy ký là tám, đủ bát liên quần tửu. Thế là sau khi an toạ xong, chủ gia đứng dậy giao kết một lần nữa rằng cuộc vui chơi không ai ép buộc ai, nhưng nay tám người nầy đã nhận là mình biết thưởng thức rượu ngon, thế thì phải giữ lời, thứ nhứt là mỗi người phải dĩ hà nhứt thể, uống bằng nhau cạn bôi, thứ nhì là không đặng nửa chừng bỏ cuộc, nếu vi lịnh sẽ chiếu tửu luật trừng phạt không tha. Nói đến đây, chủ gia tươi cười nhắc lại rằng lúc nầy còn dư thì giờ để suy liệu, nếu người nào biết mình bất kham theo dõi thì nên sớm tách ra khỏi bàn nầy để các tiên tử đánh chén. Nhưng sáu vị kia luôn anh ký nhà ta là bảy, không ai chịu mình là yếu rượu. Và cuộc đấu tửu bắt đầu. Trước tiên chủ gia sai triệt hết những ly rượu thừa, chỉ giữ lại một ly độc chiến, loại có chưn, nhưng ông đã cẩn thận bẻ gãy cái chưn bỏ đi, làm cho chỉ còn một cách cầm ly trên tay róc rượu uống và chuyền cho người khác làm y theo mình mà không thể nào đặt cái ly uống bàn được, vì chưn nó đã không còn nữa, đoạn ông mở tủ lấy ra tám chai rượu mới toàn nhãn hiệu “cognac Robin” là thứ đương thời được trọng dụng và thảy đều công nhận rằng ngon. Ông khui chai rượu thứ nhứt, một tay cầm chai một tay cầm ly, tự rót cho mình một ly đầy, kê miệng đánh tróc một cái, hà hơi nghe một tiếng khà sành điệu, gắp một con ốc chấm nước mắm bỏ vào mồm nhai ngon lành, rồi trao chai rượu và ly cho người kế tiếp cũng diễn hành lễ nhấm tửu y như ông ban nãy. Rồi đến lượt người thứ ba, thứ tư, khi đến người thứ tám thì đến phiên ông bắt đầu làm lại luân phiên nữa, và khi chai nầy hết thì khui chai khác tuần tự không cho thiếu rượu cũng không bỏ sót phiên của một người nào. Cuộc thi đua uống rượu tiếp tục vui vẻ và cứ thứ chuyển đệ vừa nói vừa cười, tám người nầy uống rượu cô-nhác cho chúng tôi xem không khác ta uống nước trà. Nhưng đến chai thứ sáu, tức mỗi người đã có hơn nửa phần chai lít rượu mạnh trong dạ dày, tôi ngồi ngoài nhìn kỹ thì người nào như người nấy thảy đều biến sắc, có kẻ mặt xanh như tàu lá, kẻ khác mặt đỏ phừng phừng, duy một ông chủ nhà cười nói hiên ngang đúng là một người tửu lượng phi thường. Bỗng anh ký toà bố nhà ta tuyên bố anh không uống nữa và mặc kệ ai, bỏ đó đi nằm dài trên một bộ ván. Còn lại bảy người kia, họ nào có chịu nghĩ cho. Họ vẫn để Tốt nằm yên trên ván ngựa, nhưng hễ họ uống đủ bảy người và tới lượt của Tốt thì họ kéo nhau lại cạy răng chú chàng và đổ trút ly rượu đầy vào mồm. Tốt không nuối cũng không được vì nếu Tối ngậm miệng khít lại đã có cái phễu thiếc lấy từ nhà bếp, thứ dùng dồn lạp xưởng, họ cạy răng nhét phễu và róc rượu như ta sang nước mắm từ tín nầy qua tín khác.

Uống được năm sáu tuần như vậy, bỗng Tốt vùng ngồi dậy, đỏ mặt như lên đồng, vì đã say quá độ và hết biết nhân sự, Tốt vịn ghế vịn bàn lết lại chỗ ngồi, và nói lớn: “Mấy người chơi không sướng! Tốt đã chịu thua, mà mấy người không dung tha. Nay Tốt làm như vầy đây, xem mấy người có bắt chước được không?”

Vừa nói tới đó, Tốt giựt cái ly không chưn, cắn nghe cái rốp, cái ly bể ra một miếng lớn, Tốt nhai miếng ly như ta nhai bánh tráng nướng, rồi Tốt chụp chai rượu tu một hơi như rồng lấy nước? Cả mấy bàn tiệc đều sợ hoảng xúm nhau kéo tay không cho Tối uống nữa, nhưng Tốt đã nuốt miếng ly vô bụng hồi nào mất đi rồi! Bữa tiệc hào hứng bao nhiêu nay buồn tẻ bấy nhiêu. Đến đây bữa tiệc trở thành một bi hài kịch nửa cười nửa mếu và tự tan rã. Chúng tôi xin nước rửa mặt, chủ nhà lo lấy dầu nóng đánh lưng bắt gió cho Tốt phở lở. Tuy vậy đến mười lăm giờ chiều, qua làng Mỹ Long, Tốt vẫn đóng dấu cân lường y như không có việc gì xảy ra. Đến mười sáu giờ, phận sự chúng tôi làm xong, còn kéo qua nhà ông Xã Chỉnh (không biết nay còn hay mất?) ngồi đánh cắt-tê trâu cho đến mười tám giờ mới chia tay ông xã, xuống tàu trực chỉ Sa Đéc Xuống tàu vẫn chưa thôi, lại lấy ốc gạo của ông Cai biếu, rồi hết chai nầy qua chai khác, chúng tôi sáu người uống thêm hai chai la-ve Larue, một chai rượu chát Médoc, một chai vin du Bourdon... Đến hai mươi mốt giờ tàu cặp bến ngay nhà ông Tư Hanh gần toà bố, thì cả thảy đều say mèm, nương nhau về nhà.
May thời tôi không quên chiếc cạc-táp tiền và khi đến nhà tôi để y bộ y phục bèo nhèo, ngả lên giường đánh một giấc đến sáng, bất chấp tiếng đon ren của ai kia khiển trách bên tai.

Bữa sau tôi vẫn ngây ngất chưa tỉnh, và qua ngày kế vẫn còn lừ đừ hai bữa liên tiếp tôi rán đi làm cho có mặt nhưng cố tránh không dám đem giấy tờ cho quan chánh ký tên, sợ biết mình là bợm say thì không trông gì lên chức!

Từ đó tôi lĩnh hội được một bài học khôn: đấu tửu là giỡn với cái chết. Không tự sát thì cũng tự huỷ hoại sức khỏe của bản thân.

Vừa rồi (năm 1974) tôi đến nhà một ông bạn thân, nghe ông tự khoe lúc thiếu niên, khi còn dạy học tại Tây Ninh, ông đã từng ăn liên tiếp sáu lô mì nước và uống xen kẽ sáu trái dừa Xiêm. Nay ông vẫn còn mạnh, nhưng ông cũng như tôi, sống nhờ thuốc men và sống nhờ có bác sĩ tận tình, ông nghĩ sao tôi không biết, chớ riêng tôi, tôi rất tiếc đã phí phạm lúc nhỏ sức khỏe một cách thật là ngu dại. Chính ngày nay khi tôi thấy chúng bạn tranh nhau cạn ly nầy đến ly khác, và một khi chai rượu đã mở nút thì quyết cho cạn đến giọt cuối cùng, thiệt là một cảnh chẳng đặng đừng đáng tiếc. Nhưng mấy ai khuyên giải được đệ tử của Lý Bạch, Lưu Linh? Rượu uống vừa phải còn thảy ngon, uống quá hớp chỉ làm thân chủ cho bác sĩ và trại hòm.

Riêng anh bạn Tốt, đến nay vẫn mạnh và vẫn ở Sa Đéc, không nghe nói đau bao tử hay rách ruột non ruột già. Một bằng chứng ai ham giảng mo-ranh là bậy.

Cữ cũng chết, kiêng cũng vô hòm, hay là ta ăn uống vừa vừa và nhớ không nên nói thật với bác sĩ!
Tái bút. Ông cai tổng An Tịnh, cố nhân Lê Đình Quảng, sau thăng huyện hàm, ngày 7-4-1932, khi tôi từ giã đổi về Sốc Trăng, có biếu tôi một bình vôi sứ có quai, mục lục số 51, tôi có nói trong tập số 8 “Khảo về đô sứ men lam Huế” tập hạ, chương nói về bình vôi.

Tốt, sau nầy tôi có gặp trên Sài Gòn. Nhắc lại chuyện mò ốc gạo năm xưa, chàng ta cười, thè lưỡi cho xem và khoe không bị miếng chai cắt. Hỏi đã học được phép gì, Tối cười thêm lớn và nói đó là phép say. Hỏi không rách ruột sao? Tốt ngó tôi và nói: “Nếu rách thì nay sao Tốt còn đứng đây. Và bao giờ tiên Lưu Linh vẫn phù hộ bọn đệ tử trung thành như Tốt!”.

 

 

12


Cánh Buồm Bể Hoạn


Thức khuya mới biết đêm dài. Sống đến hôm nay 12-1-1975, bảy mươi ba tuổi, còn hơn một tháng nữa tới tết Ất Mão, là đã bảy mươi tư. Kiếp già, sống thừa, sao chưa chết để tránh thấy những bài dám chê ông Trương Vĩnh Ký. Đọc Bách Khoa III XVII “Trương Vĩnh Ký trong quỹ đạo xâm lăng văn hoá Pháp”. Rồi đọc Bách Khoa R. IV-XVIII “Trương Vĩnh Ký, bài học cho kẻ hợp tác".

Đọc suốt hai bài, lấy làm tội nghiệp cho nhà học giả tiền bối miền Nam. Cũng may nhớ lại để an ủi, vừa đọc nơi chương 46, trong quyển quý giá "Tiếng hát sông Hương" của cụ Ung Bình Thúc Giạ Thị, do bà Tôn Nữ Hỷ Chương xuất bản năm 1972, nay mới gởi biếu. Đọc thấy hai bài như vầy:

1) Văn hào Trương Vĩnh Ký:
"Đạo đức văn chương là ông Trương Vĩnh Ký
Có tân thơ, có báo chí, có tự vị rõ ràng.
Thanh danh rạng giữa dinh hoàn.
Học xưa biết trước chỉ đàng cho hậu sinh"


2) Thi gia Tôn Thọ Tường:
"Nhả ngọc phun châu, có nhiều câu kiệt tác,
Hào đoan lỗi lạc, có nhiều đoạn danh ngôn.
Một tay thi sĩ tiếng đồn,
Cuối đời vua Tự Đức là ông Tôn Thọ Tường".


Thì ra kẻ khen người chê đều có, và gẫm lại không lý cụ Ưng Bình là con dòng cháu giống, học lực uyên thâm, cụ thấy xa hiểu rộng hơn nhiều và kể về thuật xét đời cụ há đi thua nhà hậu sanh dám đại ngôn kia? Lại cười cho mình đứng giữa hai thế kẹt: kẹt giữa thế hệ trên như cụ Ưng Bình uyên bác một lòng kính trọng người xưa, kẹt giữa thế hệ dưới ngựa con háu đá, té ra chê khen là quyền thiên hạ, chỉ nực cười cho mình là thế hệ hèn, sợ mãi: lúc nhỏ sợ cha mẹ, sợ thầy, trông về già được hết sợ, nay tuổi gần xuống lỗ, cái sợ cũng chưa tha: sợ đám trực chửi thầy. Hai ông Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường mà có người đòi hạ bệ, thì mình là cái thá gì? Nhưng xét lại trong đời cạo giấy của mình đã trải., tôi chưa đánh đĩ kiếp người tuy trót đã làm tôi mọi ăn cơm chánh phủ Tây ngót hai chục năm dư, - nên tôi thẳng thắn tiếp tục chép ra đây khoảng đời tôi, nạp tài liệu sẵn cho người kia, muốn chửi tôi thì chửi.

Nhắc lại khi còn thuộc Pháp, kể về công chức cao cấp làm việc ở Toà Bố (nay đổi gọi toà hành chánh, và công chức đổi gọi cán bộ, chung qui danh từ tuy đổi chớ cũng một kiếp người cạo giấy kiếm cơm), lúc ấy cũng như bao nhiêu người đi trước và bao nhiêu kẻ đồng thời, tôi nào phân biệt thế nào là thương nước, và tự xét chánh phủ nào trên mảnh đất nầy, cũng vẫn cai trị và mình vẫn phải phục tùng, vẫn cho mình cơm ăn áo mặc. Duy mấy cậu sanh sau khỏi kiếp đô hộ, không thương bọn già nặng lời chỉ trích, chứ thuở ấy muốn làm Di Tề thấy hơi khó, bất thọ phạn Châu, nhưng rau Vi lại cũng mọc trên đất nhà Châu chớ mấy thứ? Thuở ấy trong hàng bồi Tây, mỗi thư ký chánh ngạch đều nuôi hy vọng trở thành huyện phủ, mỗi lính quèn đều ấp ủ trong túi cây gậy lính nhà đại tướng (chaque soldal loe danh sa giberne le bâton de maréchai). Ai đâu tôi không rõ, nuôi ác tâm thi đậu làm quan lớn, dễ hách dịch bóc lột, "làm dân chi phụ mẫu", nhưng đối với tôi, nói ra nay chẳng hổ lòng, tôi chỉ mong lên ngạch cao ăn lương lớn, dễ bề ăn xài, nhứt là mua sắm đồ xưa cho phỉ chí. Những năm khoảng trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supcrieure de droỉt ét d administration) chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì chức huyện cũng được tuyển chọn trong hàng thơ ký soái phủ lâu năng, nhưng bắt buộc những người nầy phải qua hai kỳ thi đổ lửa:

a) Khoa nhứt gọi "examen de culture générale", khảo về học lực phổ thông, tương đối dễ mà khó, vì phải có thực tài, viết và nói tiếng Pháp thật cứng mới mong trói lọt. Tuy vậy vì là khoa khảo khí thường (examen), nên không nghe nói cần đánh phép. Khoa nầy năm 1927, tôi thi có một keo, may thời được chấm đậu đầu. Không biết nên gọi may hay là rủi, vì ngựa mơ háu đá, tôi ỷ tài phách lối, sau vì tiếc đeo đuổi theo hoài, quả tôi chưa từng thấy biển nên lội trong rạch ngòi mà tưởng mình là thợ giỏi,

b) Khoa kế, gọi "concours professionnel", (khảo về chuyên nghiệp và khả năng) khoa nầy thật gắt mấu, số thí sinh càng ngày càng nhiều, số lấy đỗ càng ngày càng sụt, vì vậy từ năm 1929 về sau, có nạn đánh phép, nay gọi phải nhờ đức Thánh Trần hộ mạng, thì mới mong thoát khỏi búa rìu giám khảo được, làm ngư vượt võ môn, cá chép biến thành rồng. Nói chí đáng không nên quơ đũa cả nắm phao cho hết thảy đều vậy, và cũng có nhiều bạn công phu nhiều, học tận tuỵ và thi với thực tài, vẫn đậu tự nhiên, nhưng số nầy rất ít. Nay việc cũ đã qua, bàn lại vô ích nhưng thiết tưởng đời nào cũng thế, vả lại tôi có chủ tâm muốn vạch những lỗi cũ của mình, dầu có người chửi, tôi cũng xin cúi đầu nhận tội và sám hối, nghĩ như vậy nên tôi vẫn phép ra đây, cho đúng câu: “Hơn nửa đời hư". Tại sao tôi mù quáng, không bỏ cuộc tìm con đường khác xuất thân. Rõ là hư, còn chối cãi gì nữa được. Nhưng trong thâm tâm, lúc ấy tương lai vận mạng nước nhà còn mịt mù, việc lấy lại độc lập như nay chưa thành vấn đề, đường công danh các bạn đồng bối và tôi đều nghĩ như nhau, làm việc kiếm cơm độ thê nhi, với nghề cạo giấy, thì chánh phủ nào cũng vậy, cũng đều một thế.

Trước năm 1926, người đậu khoa phổ thông thuộc số ít, nên ai đậu khoa nầy thì kể như chắc nắm chức huyện trong tay. Ngờ đâu, đến lượt tôi, đậu rồi năm 1927, bị bắt chờ đến năm 1929, đúng bốn năm trong chức vụ mới được thi và cũng từ năm 1929, gặp nạn kinh tế khủng hoảng mà chớ, thêm sĩ tử có bằng tú tài được thi chung với bọn tôi gốc thư ký và xui xẻo nhất là số tuyển chọn hạn chế có bốn người. Quả tôi đã quá ngây thơ và ngu muội, mãi tin nơi sự công bằng của giới quan trường thời đó. Kỳ thi tuyển khả năng từ 1929, tiếng rằng thi để chọn người rành việc hành chánh, kỳ trung đó là cửa mở rộng cho sự hối lộ, quan trên ăn theo đàng quan, bóp cổ bọn cò ke lục chốt lấy lại phần nào, và quan dưới tức thơ ký và tú tài, muốn đậu được bổ huyện hạng ba thì phải có lễ mễ, mặc sức vơ vét và tom góp lại sau. Những con gà không của và đá đòn trơn như tôi, sức mấy mà thi đỗ, tức ăn độ bao giờ?

Năm 1929, bài tôi là ai khá lắm, nếu tôi làm như người ta, nghĩa là nếu tôi chịu tốn một số tiền như người ta đòi hỏi nói sau đây, thì có lẽ tôi có hy vọng được chấm đậu cũng chưa biết chừng. Nguyên lai số điểm đậu, theo nguyên tắc, ít nhứt là phải trên số 412 điểm. Thế thì số điểm của tôi, lên đến 460 điểm tức dư chưng đậu. Nhưng vì số tuyển hạn chế chỉ lấy chỉ cỏ bốn người, phần kỳ thi nầy như đã nói là thi con cua (concours), nên mấy anh Tô Văn Qua, Trần Văn Chi, Thái Ngươi Xàng và tôi có tên trong bảng vi bằng năm 1929, hiện tôi còn giữ được. Nói thiết tỷ, nếu một trong bốn đứa chúng tôi, có dư tiền đánh phép cho thật đúng chỗ, thì cũng dám "soán ngôi" của anh số 4 Ngô Văn Hoá nào đây, được lắm chớ chẳng không. Nhưng nói mà chơi vậy thôi, chớ tài nào cải số, với ban giám khảo lang-sa năm ấy (1929) mà chánh chủ khảo là tham biện Bussière tỉnh Thủ Dầu Một.

Tôi còn nhớ rõ, năm đó, sau khi thi xong các bài viết, buổi chiều tôi đưa vợ tôi lúc đó là Tuyết, đến ăn cơm Tây nhà hàng Yeng-Yeng, cơm rồi đưa nhau về phòng trọ ở khách sạn Tân Hoà đường Bonard (nay là Lê Lợi). Vừa nhắm mắt dưỡng sức, vì mai nầy còn chịu một trận thử lửa hạch miệng, bỗng nghe có tiếng gõ cửa. Đó là bác Năm Mỹ, người ân nhân năm xưa cho tôi ở trọ ăn cơm tháng, nay đến thăm hỏi han vụ thi cử... Bỗng bác bảo tôi hãy đưa cho bác bốn ngàn đồng (4.000$00), thì sẽ đậu. Ông đốc phủ chủ quận Bến Cát (N.X.H) - bác Năm nói - ổng thấy danh sách có thể chấm đậu (admissible) có tên mầy, nay tao lãnh lịnh đi kiếm mầy, mầy đưa bốn ngàn cho ổng thì ổng nói một tiếng với chủ khảo là quan thầy của ổng, tức mầy được đậu tức thì.

Lúc ấy, tôi còn trẻ, sẵn tánh bộc trực và háo thắng, tôi khinh bỉ cười mà đáp rằng: “Thưa bác, bốn ngàn không dễ gì kiếm. Nếu tôi có, tôi sẽ mua một chiếc xe Citroen ba đầu nặng (ba chỗ ngồi), tôi và vợ tôi chiều chiều hóng gió chẳng là khoái hơn. Tôi không lo lót, vì hối lộ rồi ăn lại nhà nghèo, xấu hổ và thẹn với lương tâm.

Bác Năm khuyên tôi không được nên giận bỏ ra về, nhưng chưa đầy một giờ sau thì quay lại, dịu giọng cất nghĩa cho tôi nghe dịp may ngàn năm một thuở, phen nầy ông đốc phủ vì thua bài quá (ông đánh me), chịu bớt còn hai ngàn thôi, và cam đoan khi nào tôi thấy có tên trong bảng hổ, sẽ chi tiền. "Đ.m, như vậy là tốt quá bực, anh Năm hãy nói với nó, thuở nay các bác đàn anh đều dùng cây cầu ấy, khuyên nó đừng tưởng giỏi dùng cách khác, uổng công!". Đó là mấy lời nói nặng của ông N.X.H, nói với bác Năm và bảo bác nói nhắn lại cho tôi nghe. Nhưng nói và khuyên cách mấy cũng không đặng, nên bác bỏ ra về và không đến thăm tôi cho đến ngày thi rồi tôi trở về Sa Đéc.

Sáng bữa sau tôi vào phòng thi hạch miệng, tôi có cảm giác không khí ngột ngạt nặng nề. Tôi đang ngồi chùm nhúm với các bạn sĩ tử, thuật lại câu chuyện xảy ra đêm rồi, anh em bàn ra tán vào đứa thì không tin, đứa thì khen nhẹ giá sao tôi không y theo cho an phận, bỗng đến phiên ông chủ khảo bất tay làm việc và trước tiên ông gọi tên tôi lên cho dự thi. Nhưng thay vì hạch hỏi trong phạm vi khả năng, ông mời tôi trình giấy thuế thân cho ông khám. Đó là một việc bất thường và ngoại lệ, vì sĩ tử chỉ có hai mươi ba người, và thảy đều biết mặt nhau, đâu có sự trồng tréo giả mạo gì được. Chủ khảo đọc trên tờ thuế thân (như tờ căn cước ngày nay), thấy tôi sanh năm 1904, vào năm 1929 đúng hai mươi lăm tuổi, ông bầu môi nhưng không nói gì, trả lại giấy thuế và mời tôi bắt thăm chọn đề tài. Tôi quên nói kỳ thi nầy rất quan trọng, sĩ tử có 23 người nên đề tài câu hỏi được viết sẵn trên giấy rời, cuốn tròn lại và đặt trong lòng ruột chiếc đỉnh đồng, lá thăm nào bóc rồi là loại luôn, không dùng lại nữa, để lãnh sự trùng điệp. Đề tài tôi chọn được là "Le budget régional" (sổ công nho địa hạt). Tôi đang đứng diễn giải nghe giòn giã, bỗng ông chủ khảo ngắt ngang và hỏi tôi một cách bất ngờ: "Xin vui lòng cho biết thầy giữ chức việc gì tại toà bố và ở tỉnh nào?". Tôi thành thật thưa: "Dạ, tôi hiện làm việc ở toà bố tỉnh Sa Đéc và có phận sự trông nom về công nho địa hạt”. Ông vụt vỗ bàn cười lớn và phân bua: "Hèn chi anh nói nghe suôn sẻ và rành mạch quá! Như vậy là trúng tủ anh rồi. Nhưng đây là kỳ thi về khả năng công chức cao cấp và Uỷ ban chúng tôi có trách nhiệm tuyển chọn người xứng đáng, nhứt là tránh sự may rủi. Vậy thì anh hãy nói qua "công nho tài chính nhượng địa Quảng Châu Loan” để xem thực tài của anh ra thế nào, như anh nói được tôi sẽ cho điểm cao”.

Và tức nhiên vì tôi khinh thường không nghiên cứu vấn đề “Le budget du Kouang-tchéou-wan” và không trả lời ổn thoả. (Mà tôi dám chắc trong đám sĩ tử kỳ thi đó cũng đều bí lối như tôi). Và kết quả là tôi thi rớt.

Năm ấy thi rồi về tỉnh Sa Đéc, trong tai tôi còn văng vẳng câu khuyên nhiều ý nghĩa của vị chủ khảo là tham biện Thủ Dầu Một Bussière: "Thầy còn trẻ quá, mới hai mươi lăm tuổi đầu, còn đủ thì giờ để già dặn thêm. Đường công danh thầy còn dài, và tương lai hy vọng thầy còn tràn trề. Thầy nên nhẫn nại... Hãy xem mấy bạn đồng khoa với thầy ngồi dưới kia, người nào cũng đầu hai thứ tóc, mà còn lận đận nơi trường ốc. Kẻ trước tới người sau cũng tới, lo gì? Theo tôi, thầy nên nhường chỗ cho họ, qua sang năm tôi sẽ nhớ đến thầy nếu tôi còn được cử làm chủ khảo như năm nay. Hề hề! Phàm trái cây, phải đợi chín muồi mới là trái ngon?"

Như vậy, thử hỏi nếu đêm rồi tôi ưng thuận chịu lo hối lộ cho chim mồi là ông Phủ Bến Cát, thì bữa nay tôi có hy vọng gì khỏi bị tham biện Thủ Dầu Một Bussière hỏi câu hóc búa và cứu độ cho tôi đậu không?

Tại sao tôi không sớm tỉnh ngộ và chịu hiểu câu nói đầy ý nghĩa của chủ khảo, nửa đùa nửa thật, nửa khuyên tôi nên biết điều, nửa dạy tôi ẩn nhẫn đợi thời. Nhưng nay việc rồi tôi xét lại, chẳng qua đó là luật nhơn quả, đó là then chốt. Không có vậy, làm sao có chuyện viết thành sách "Hơn nửa đời hư".

Đại phàm rượu phải uống cho đến cặn, và tôi xin thuật lại đây tường tận nỗi mờ ám của tôi xin chớ trách tôi dài dòng và như vậy mới thấy những hư hèn của tôi, và ai là khách đã qua cầu mới biết.

Suốt mười bốn năm bất tận, tôi ngu muội đeo đuổi theo nghiệp khoa cử hư danh, từ năm 1929 đến năm 1942, mà chưa tỉnh mộng, cứ tin thi mãi có ngày đậu. Ngờ đâu ngày nay nghiệm ra và giác ngộ đã trễ, thi concours professionnel, tiếng rằng thi chọn người có khả năng chức nghiệp, kỳ trung là thi mánh khóe, ai giỏi chạy chọt là có phần may "tới nơi tới chốn", chớ dễ gì lấy tài "trơn" ra ứng cử, khác nào con gà đá độ không cựa mà dám so tài với gà "cựa chuối bén ngót như dao", mình thi tài mà họ thi tiền thì mình thua là cái chắc.

Tại sao lúc đó tôi không bỏ nghề cạo giấy, sang qua nghề khác ít cạnh tranh như nghề làm báo hay viết lách chẳng là hơn. Nhưng như đã nói, tôi ngu tối, vẫn ngây thơ hiểu rằng nghề làm thơ ký cho chánh phủ vẫn là nghề trong sạch như muôn nghề khác, miễn mình ở giữa đám bùn lầy mà không nhiễm tật xấu, hối lộ ăn của đút, thì lương tâm vững vàng.

- Kỳ thi thứ 2: mở ngày 1-12-1931. Sĩ từ 27 người. Chủ khảo là ông Estèbe, tham biện chủ tỉnh Tân An, phụ tá chủ khảo là ông Bunou, đầu Phòng Nhứt dinh Thượng Thơ (Nội vụ) và giám thị kỳ thi viết là ông Đốc phủ Ngô Văn Chiêu, người đầu tiên từ Hà tiên đem về Sài Gòn thuyết xây ghế cầu cơ, tức nguồn gốc của đạo Cao Đài sau nầy. Kết quả có năm người đậu.

Năm nay tôi thi rớt là đáng kiếp vì suốt năm 1931, tôi mảng lo việc gia tài cho Tư là người vợ nay đã ly dị. Năm nầy có một sĩ tử gặp dịp may hiếm có là bài viết kỳ 3, thảo lại bức thư trả lời một vấn đề nào đó, thì ông T, gặp bản giáp (minute de lettre) bỏ quên sót lại trong hồ sơ, ông đánh liều chép y rồi thủ tiêu bản giáp, bài được chấm nhứt hạng. Mãi lâu sau ông Võ Văn Nhiều mới thuật lại.

- Kỳ thi thứ 3: Mở ngày 1-3- 1933 - Số sĩ tử quên ghi. Có ba người đậu.

Năm nầy, thi rồi hồ sơ đều niêm lại không cho ai biết, kết quả tuyên bố rất trễ. Có một người chỉ có công dò giấy số cho bà thống đốc Krautheimer mà nên công danh. Riêng tôi, công đăng hoả mấy tháng trời, học đến xếp ve mà vẫn phủi tay không, tuy chủ khảo là tham biện Le Strat trước nhậm ở Sa Đéc, có biết học lực và tánh tình tôi, nhưng không giúp ích được gì.

- Kỳ thi thứ 4: Mở ngày 16-12-1935 - Chủ khảo, gặp Bussière lại nữa, và kỳ nầy ông cũng xét giấy thuế thân tôi mà không xét người nào khác: tại sao?

Phụ khảo: Ông Nay de Touris, sở kho bạc và ông Monvoisin, dinh Thượng Thơ.

Giám thị kỳ thi viết: Ông đốc phủ Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung).

Kỳ nầy, chua cay là rớt số Một, khít nút với người đội sổ. Gặp thầy bói tên Trần Thúc Sanh, coi tay và coi tướng, nói mình về già tốt phúc, năm nay không đậu vì tiểu nhơn ám hại, muốn đậu phải liều như đánh bài thua. Nhưng mình vẫn nhứt quyết không "liều như đánh bài", chỉ tự trách còn óc mê tín, tin dị đoan và vẫn đi xem bói.

- Kỳ thi thứ 5 - Mở ngày 24-8- 1937 - Chủ khảo: Ông Roger.

Phụ tá giám khảo: Ông Nadal đầu phòng Ba và ông Josa đầu phòng Tư, dinh Thượng Thơ.

Cử tử có hai mươi tám người, mình rớt số 28 vì tội dám cãi lý với giám khảo. Số lấy đậu là bốn người, cũng quên biên danh tỉnh để lại, vì buồn tủi. Từ năm nầy, vẫn thi đi cho lấy có, nhưng đã thất niềm tin và tự chủ. Lại nữa, bề thế đã đổi thay, gia tư khá hơn.trước, nhờ ăn gia tài của Bà Phủ An Sốc Trăng là nội tổ người bạn nay đã ly dị. Tình thế nay đổi đời, nhưng không dám quên tri ân người đã khuất. Cũng từ đây, say mê đồ cổ, mỗi lần thi rớt là an ủi mua về một cổ ngoạn đáng giá, bất ngờ nay trở nên một thành công lớn, còn lớn hơn buổi xưa thớt đậu. Ô hô! Thời da? Mệnh da? Chẳng qua vì vận thời, không nên trách cứ vào số mạng và nên tự tin vào sức của mình tự tạo là hơn.

- Kỳ thi thứ 6 - Mở liền năm sau, ngày 1-6-1938, nên các cử từ đều không dự bị kịp. Ông Larivière, tham biện tỉnh Bạc Liêu làm chủ khảo. Phụ tá giám khảo gồm ông Nadal đầu phòng Ba và ông Kresser, đầu phòng Tư, dinh Thượng Thơ. Kỳ nầy đăng cáo thị lấy sáu người đậu, nhưng ông Larivère do có cảm tình và từng thấy cách tôi làm việc tại toà bố Cần Thơ, nên sau khi thi, ông không tuyên bố kết quả mà lập biên bản đề nghị lên quan thống đốc xin tuyển thêm ba người đậu số 7 là tôi, số 8 là Trang và số 9 là ông Hải, viện cớ cả ba đều có số điểm trên trung bình và đáng được chấm đậu. Rủi cho tôi, lúc đó lại có thơ rơi tố cáo tôi: a) Lo lót tiền bạc (năm trăm đồng) cho một cò-mi làm việc tại phòng nhơn ty và biết đầu đề bài thi viết, b) Tôi có hạnh kiểm xấu, bỏ vợ nghèo cưới vợ giàu, c) Đã mua chuộc tham biện Le Strat kỳ thi năm 1933 v.v...

Vì vậy, ông Larivière nổi giận, thay tờ vi bằng khác, lại bỏ tôi ra và chấm đậu tám người. Đây là một bài học đau thương, vì tôi giàu có nên có người ganh ghét ám hại, khi tôi kêu oan thì sự đã trễ, nên xử chìm xuống, hứa lại kỳ sau.

- Kỳ thứ 7: Mở ngày 19-2-1941. Kỳ nầy có đến hai ban giám khảo: a) Ban giám thị gồm ba ông: Kerjean, Le Pellisier và Trịnh Đình Quý, coi thi, b) Ban giám khảo thi và chấm bài, gồm ba ông: Goutcs, tranh biện Chợ Lớn; Rolland, ngạch điền thổ và Mialin, đầu phòng Nhứt, dinh Thượng Thơ.

Kỳ thi nầy có một cải cách là cho thi ứng đáp trước khi thi ám tả. Cử tử cả thảy là hai mươi người nhưng qua kỳ hạch miệng chỉ còn lại có tám người, trong số ấy có tôi. Nhưng khi thi xong ba bài viết đến chiều ngày 22-2-1941, ông Rebouillat, chủ sự phòng Nhơn ty, đã quen với tôi lúc ở Cần Thơ, nay ông cho hay tôi rớt nữa, và các số điểm của tôi là:

Kỳ ứng đáp, nôm na gọi thi hạch miệng.
Hành chánh (d aministralion générale) 10
Tài chính (régime financier) 15
Luật (d roit) 16
Sử địa (géographie) 18
Hành chánh địa phương
(administration provinciale) 12
__
__
71

Thi viết Bài thứ nhứt, số điểm và hệ số 11 x 5 = 55
Bài thứ hai 11 x 3 = 33
Bài thứ ba 8 x 5 = 40
Bài thứ tư 11 x 5 = 55
Bài thứ năm 11 x 3 = 33

__________
216
 

Cộng: 287

Theo nguyên tắc phải có 312 điểm là bực trung mới đậu, và tôi thiêu 25 điểm, trong số đó có ba người đậu.

Hôm biết được kết quả, tôi phải gọi xe kéo đưa về nhà vì quá buồn. Hôm sau không còn lòng nào làm việc, định xin thôi về nhà vui thú điền viên nhưng ông Rebouillat cho hay lúc nầy tình hình nghiêm trọng, chánh phủ không chấp nhận cho tôi đâu mà hòng làm đơn vô ích. Ông lại cho hay trong một bài viết tôi có dùng một câu chữ la-tinh mà ban giám khảo nghi là "không tự nhiên ắt có tá tha nhơn làm bải giùm" nên cho điểm nhỏ (8 x 5), vì vậy mà rớt.

- Kỳ thi thứ 8 và kỳ chót - Mở hội thi ngày 21-7-1942. Ban giám khảo gồm có: Wolf, tham biện chủ tỉnh Thủ Dầu Một, chánh chủ khảo và Freyssenge và Bealvais, đầu phòng nơi dinh Thượng Thơ, giáp ất phó chủ khảo.

Cử tử 24 người gồm bốn tú tài và 20 thơ ký đã đậu khoa phổ thông (culture générale), trong số có các bạn quen cũ là Nguyễn Đình Hào, Dương Văn Hưng, Hồ Văn Mạnh, Nguyễn Văn Vạng, Dương Văn Ký, Trần Văn Hưng, v.v...

Năm nay tôi rớt đau nhứt và nhục nhã nhứt vì bị loại vòng đầu trong kỳ hạch miệng. Và kỳ thi chấm đậu có ba người cũng quen biết và không nhớ rõ là ai, nhưng trong số đó có anh Dương Văn Ký. Một anh nữa là Nguyễn Văn Giáo nhưng sau cuộc đảo chính dưới trào thủ tướng Nguyễn Văn Thinh, anh được bổ nhiệm làm huyện và lần lên đốc phủ đó là việc khác.

Riêng tôi, thất bại về thi cử, kể bảy lần trước thì lòng có buồn tức thật vì có thể đậu nhưng bị ganh tị hoặc bị nghi ngờ việc nầy việc nọ mà rớt. Duy đến kỳ thứ tám nầy, rớt rồi lòng không buồn ức nữa mà chỉ chán chê cho cử nghiệp lao đao lận đận, khi biết mình luôn luôn bị dìm, bị đè đầu xuống thì mong gì đâu? Việc làm đầu tiên là ngày 25-7-1942 ôm mớ sách học thi cả thảy tám cuốn, đem lại hiệu Tín Mỹ đường La Grandière bán được hai mươi bảy đồng, chiều lại đem tiêu vèo trong một bữa cơm Chợ Lớn, tống khứ cái giấc mê đồ ham làm huyện làm phủ, trong khi tài không có mà miệng thế gièm pha thì nhiều. Cái nghề làm huyện để cai tri dân, đâu phải để dành cho những kẻ dại dột như tôi muốn trong sạch và không chịu đi theo con đường vạch sẵn, là phải lo lót để thi đậu rồi vơ vét mót máy gỡ vốn lại sau. Tôi nói đây không có ý quơ đũa cả nắm và xin chừa những anh có thực tài, đi thi và đậu do sức riêng, tức không cậy thần cậy thế. Lúc đó tôi rất tự tin nơi tuổi trẻ và nơi công lao ăn học, tưởng rằng “có công mài sắt có ngày nên kim", nhưng nói mãi nhàm tai, tôi xin chịu tội lúc nhỏ duy có một chữ xứng đáng đánh dấu cuộc đời “phân nứa kiếp” của tôi, đó là chữ "Hư" to tướng.

Và cuốn sách nầy, lấy nhan là "Hơn nửa đời hư" là vì vậy.

Viết đến đây, miệng đắng lưới khô, lỡ khóc lỡ cười, vừa nhớ vừa thấm thía câu bất hủ trong Cung Oán:
Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh!


Còn nhiều câu nữa đều hay và dạy đời, nhưng mình không nên ngâm, vì dẫu cho giọng tốt cũng nên câm miệng lại, vì rõ là "thằng Hư!".
Cám ơn đã được thi rớt!